Hà Nội đề xuất thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19 giống như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh để định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn.
Sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi
Sáng nay (2/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm.
Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc...
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, qua tập hợp các ý kiến của cử tri và nhân dân Thủ đô qua các kỳ tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Dư luận nhân dân Thủ đô đánh giá cao và rất tin tưởng vào các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế hậu Covid-19.
“Đây chính là động lực, chỗ dựa vững chắc cho Thành phố triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện các giải pháp, biện pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép”, vừa kiểm soát, khống chế dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô. Đặc biệt, thành phố Hà Nội trân trọng cảm ơn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP bày tỏ.
Tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiêm túc đúng với các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả, Thành phố đã tiếp nhận và triển khai thực hiện nghiêm túc 75 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có thời hạn. Kết quả, đã hoàn thành dứt điểm 63/75 nhiệm vụ (đạt 84%), còn 12/75 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn. UBND Thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành và báo cáo kết quả về Văn phòng Chính phủ đúng thời hạn giao.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn đã được Thành phố triển khai thống nhất, đồng bộ, đúng theo lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia.
Toàn Thành phố có 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng; 47 ca lây nhiễm được phát hiện cách ly ngay tại sân bay. Các ca nhiễm đều đã được chữa khỏi. Đến ngày hôm nay, đã qua 77 ngày, chưa có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Toàn Thành phố đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, sớm thiết lập “trạng thái bình thường mới” để tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH.
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực. Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5, 6 hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi: GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 3,39%; Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ.
Thành phố đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30/6/2020 đạt 100%. Đã đưa 249/249 (đạt 100%) dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ đạo triển khai các chương trình khuyến mại (Tháng khuyến mại 6, 7, 11; Hội nghị kết nối cung, cầu; Tuần hàng Việt;...); chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực tái đàn lợn, tái cơ cấu cây trồng và trồng hết diện tích đất nông nghiệp,…
Một số chỉ tiêu quý II đã bứt lên, kết quả 6 tháng tăng khá cao như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 6,6% (quý I tăng 5,9%; quý II tăng 7,2%); Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 1,61% (quý I giảm 1,17%; quý II tăng 3,57%); Vốn đầu tư xã hội tăng 5,9% (quý I tăng 5%; quý II tăng 6,5%).
Đầu tư FDI 6 tháng đạt 4,2 tỉ USD; Chỉ số PCI đứng thứ 9 và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ.
Đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác đầu tư và phát triển”; Tại Hội nghị đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD và giới thiệu 282 dự án với số vốn 483 nghìn tỷ đồng.
Tiết kiệm chi tiêu thường xuyên theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được 4.723 tỷ đồng, tương đương 10,5 %.
An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Đã tổ chức tặng hơn 1,4 triệu suất quà Tết với tổng số tiền 622,3 tỷ đồng, trong đó 136,6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đã hoàn thành đợt 1 hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với số tiền 474,2 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho, số lao động tự do, người dân gặp khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch với kinh phí 495,6 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố đã tích cực vận động ủng hộ trên 172 tỷ đồng. Đã bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố 1.020 tỷ đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay với mức lãi suất 0%, để phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch.
Đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/2020); 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2020) và nhiều sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn Thành phố.
Công tác vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, hạ ngầm cáp viễn thông đã được thành phố quan tâm và đạt được đúng các chỉ tiêu cũng như tiến độ với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 16.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các vị trí, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được quan tâm, nhất là thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ phòng chống dịch.
Phấn đấu thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao
Căn cứ dự báo tình hình thế giới, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Thành phố xây dựng 02 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng của cả nước; thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao.
Trọng tâm là: Tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố và Đại hội lần thứ 13 của Đảng; Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 thông qua các biện pháp căn cơ đang được thực hiện tốt; đi đôi với việc chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh mới, dịch bệnh mùa hè, sốt xuất huyết, bạch hầu... trên địa bàn Thành phố.
Tập trung thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, tiền thuê đất; Cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên; Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công; khởi công một số công trình lớn, có sức lan tỏa trên địa bàn.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các đứt gãy thương mại, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; Đẩy nhanh thủ tục thành lập các khu, cụm công nghiệp; tập trung tái đàn lợn, khai thác hết diện tích đất nông nghiệp;…
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa trong “trạng thái bình thường mới”; kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh các lớp đầu cấp.
Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra trên địa bàn; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển với các Tỉnh, Thành phố. Tạo sự đồng thuận cao trong các cơ quan, đoàn thể và toàn xã hội thực hiện phòng chống dịch, các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội.
Thành phố đánh giá và sẽ làm tốt công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả nhất cho cái để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của thành phố trong năm 2020.
Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, Thành phố có một số kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Thống kê tính toán kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước năm 2020 cho các tỉnh, thành phố, trong đó có TP Hà Nội để đánh giá kết quả giai đoạn 2016-2020 và xây dựng chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, kịp thời cập nhật Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội.
Đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19 giống như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh để định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn.
Thành phố sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 các khu vực để bố trí tất cả các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt kích cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2025 là đạt 60%.