Hà Nội dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6: Loạt vấn đề đặt ra khiến những phụ huynh có con đang theo học đứng ngồi không yên

Theo đề án, chương trình thí điểm đào tạo song bằng diễn ra trong 6 năm. Trong đó, năm học 2018-2019 đến 2020-2021, bảy trường được thí điểm sẽ tuyển sinh mới lớp 6, đồng thời dạy tiếp lên lớp cao hơn.

Chiều 23/4, Sở GD-ĐT Hà Nội chính thức thông báo việc: Dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6 từ năm học 2021-2022. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội” đã được Sở hướng dẫn các phòng GD-ĐT và các nhà trường triển khai thực hiện theo đúng các nội dung.

Cụ thể theo Đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2830 ngày 8/6/2018 thì Đề án này được thí điểm trong 6 năm.

Năm học 2018-2019: Tuyển sinh mới lớp 6;

Năm học 2019-2020: Tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7;

Năm học 2020-2021: Tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8;

Năm học 2021-2022: Dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8,9; không tuyển mới học sinh lớp 6.

Năm học 2022-2023: Dạy tiếp học sinh được lên lớp 8,9;

Năm học 2023-2024: Dạy tiếp học sinh được lên lớp 9 và đánh giá toán bộ Đề án.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Vì vậy Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường không tuyển mới lớp 6 chương trình đào tạo song bằng IGCSE tại các trường THCS tham gia Đề án từ năm học 2021-2022. Sở cũng cho biết, đến năm học 2023 - 2024 sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ đề án này.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bài học kinh nghiệm… Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu thành phố, Bộ GD-ĐT về kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Thông tin Hà Nội dừng tuyển sinh Hệ song bằng lớp 6 khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Một số vấn đề được đặt ra như: Các học sinh đang học Hệ song bằng hiện tại sẽ như nào? Các em tốt nghiệp Hệ song bằng THCS sẽ thi lên lớp 10 ra sao? Học sinh Hệ song bằng liệu có dễ hòa nhập với học sinh trường thường?,...

Dưới đây là tổng hợp chi tiết những thông tin về Hệ song bằng và các vấn đề nóng đang được phụ huynh quan tâm:

Chương trình Hệ

song

bằng giảng dạy những gì?

- Học sinh sẽ học chương trình quốc gia Việt Nam (cho cấp THCS) do Bộ GD-ĐT quy định và chương trình Cambridge cấp THCS (Cambridge Lower Secondary) với 4 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Tiếng Anh (như ngôn ngữ thứ hai) và Công nghệ thông tin (ICT).

Chứng chỉ IGCSE Cambridge có tác dụng ra sao?

- Về chứng chỉ IGCSE Cambridge (International General Certificate of Secondary Education - chứng chỉ giáo dục trung học quốc tế) - đây là một chứng chỉ quốc tế công nhận trình độ chuyên môn cho các học sinh trung học, thường trong độ tuổi 14-16.

- Tương tự như GCSE ở Anh, Wales và Bắc Ireland, tiêu chuẩn hạng Scotland hoặc giấy chứng nhận Junior ở Ireland, IGCSE cũng là chứng chỉ quốc tế thay thế cho nhiều chương trình quốc gia phổ biến. Đối với những học sinh muốn đi du học, IGCSE là chứng chỉ hữu ích.

Tại sao Hà Nội lại dừng tuyển sinh Hệ song bằng lớp 6?

- Theo đề án, chương trình thí điểm đào tạo song bằng diễn ra trong 6 năm. Trong đó, năm học 2018-2019 đến 2020-2021, bảy trường được thí điểm sẽ tuyển sinh mới lớp 6, đồng thời dạy tiếp lên lớp cao hơn.

Ba năm học cuối, từ 2021-2022 đến 2023-2024, các trường không tuyển lớp 6 nữa, chỉ dạy tiếp những khóa đang học.

Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình song bằng từ năm học này.

Tại sao trong hướng dẫn tuyển sinh lớp 6 năm học 2021-2022, Sở vẫn đưa thông tin tiếp tục tuyển sinh Hệ song bằng?

- “Theo kế hoạch tuyển sinh chung, đúng là ban đầu, có nêu ý đó. Nhưng dù đưa nội dung đó vào nhưng trong quá trình tuyển sinh, chúng tôi vẫn phải xin ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội. Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội, chúng tôi buộc quyết định dừng tuyển sinh”, ông Phạm Xuân Tiến nói.

Những vấn đề đặt ra khi dừng tuyển sinh Hệ song bằng lớp 6?

Thông tin dừng thí điểm Hệ song bằng đã khiến nhiều phụ huynh thất vọng và hoang mang. Trên nhiều diễn đàn, các phụ huynh tỏ cho rằng Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin đột ngột. Nhiều em học sinh trước đó đã ôn tập cả năm để thi song bằng, nay rơi vào cảnh hụt hẫng.

Với những phụ huynh có con đang học Hệ song bằng và 7 trường công lập thí điểm dạy hệ này, một số vấn đề được đưa ra:

- Nếu không tuyển sinh, phụ huynh song bằng đang học xin chuyển con ra lớp thường thì sao?

- Học sinh song bằng tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ học ở đâu?

- 7 trường THCS thí điểm có 350 học sinh song bằng, nhưng chỉ có 2 trường trung học phổ thông tuyển 100 học sinh song bằng, 250 em học ở đâu?

- Sở có cơ chế cộng điểm hay tuyển thẳng, ưu tiên nào cho các học sinh song bằng đạt kết quả cao?

- Thi vào 10 song bằng mà trượt, thi vào trường khác có hòa nhập được không? Bởi theo một nhà giáo đang công tác tại trường thí điểm song bằng, học sinh song bằng trung học cơ sở "không học nổi hệ thường vì chỉ tập trung học Cam (chương trình Cambridge).

* Tuy nhiên ông Phạm Xuân Tiến cho hay, các học sinh từng theo học hệ này vẫn có thể học theo chương trình bình thường của Bộ GD-ĐT, hoặc theo học các chương trình hệ Cambridge ở các trường quốc tế, tư thục; trường chất lượng cao. Do đó ông Tiến cho rằng, cơ hội của các học sinh là rất rộng.

Những trường THPT nào đang giảng dạy Hệ song bằng?

- Tại bậc THPT, năm học 2021-2022, Hà Nội vẫn triển khai chương trình song bằng tú tài, học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) tại hai trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam.

- Mỗi trường tuyển 50 học sinh, chỉ tiêu giữ ổn định qua các năm. Thí sinh phải vượt qua kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội, sau đó thi Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh và viết luận, nói tiếng Anh. Các em không nhất thiết phải tốt nghiệp từ chương trình song bằng hệ THCS.

Giải pháp dự kiến của Sở GD-ĐT Hà Nội

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết để giải quyết vấn đề "đầu ra" cho học sinh song bằng, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tính toán việc tăng số chỉ tiêu song bằng ở Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Đồng thời có thể xem xét mở rộng số trường THPT được đào tạo chương trình song bằng trong năm học tới. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo tỷ lệ HS học song bằng ở bậc THCS đỗ vào các trường THPT công lập đào tạo song bằng đạt 60%, tương tự tỷ lệ HS sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập bình thường.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ha-noi-dung-tuyen-sinh-he-song-bang-lop-6-loat-van-de-dat-ra-khien-nhung-phu-huynh-co-con-dang-theo-hoc-dung-ngoi-khong-yen-222021244134943758.htm