Hà Nội: Giảm tình trạng ùn tắc giao thông từ mô hình biển báo thông minh

Từ khi triển khai thí điểm mô hình biển báo thông minh đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất nhân rộng mô hình này trên nhiều tuyến đường hơn nữa.

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, xung đột tại các ngã tư dừng chờ đèn đỏ. Do đó, cầu vượt được xây dựng và lắp đặt nhằm làm giãn lượng xe di chuyển một chiều và hạn chế ùn ứ, tắc đường.

Tuy nhiên, nhiều xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây mất an toàn giao thông, ùn tắc tại khu vực. Không chỉ vậy, tình trạng “dồn toa” ở các đầu và cuối cầu vượt là vấn đề đau đầu vẫn diễn ra.

Ùn tắc giao thông vẫn nghiêm trọng

“Nhà tôi ở Chùa Láng, cơ quan ở Lĩnh Nam, đi đường Vành đai 2 trên cao rất thuận tiện nếu không ùn tắc, nhưng sẽ rất khó khăn nếu các dòng ô tô “dồn toa” ngay tại lối xuống đầu nút giao Time City”, chị Lan Phương (40 tuổi) chia sẻ.

Tình trạng giao thông nội đô là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Tình trạng giao thông nội đô là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong giờ cao điểm trên một số tuyến trục chính nội đô, đường vành đai do lưu lượng phương tiện tăng cao, xảy ra va chạm giao thông, thi công công trình gây cản trở giao thông tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ…

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều điểm ùn tắc giao thông được "xóa sổ", nhưng hiện nay trên địa bàn nội đô vẫn còn khoảng hơn 30 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các tuyến đường như: Tố Hữu – Lê Văn Lương, Võ Chí Công – cầu Nhật Tân…

Bên cạnh đó, một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu, Kim Mã, Dương Đình Nghệ - Mễ Trì… còn xảy ra tình trạng phương tiện di chuyển khó khăn vào khung giờ cao điểm. Tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào thành phố còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, tết.

Có thể thấy, số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, khiến tình trạng ùn tắc đã xảy ra trên một số tuyến đường như Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Trần Phú - Nguyễn Trãi…

Bên cạnh đó, ý thức người dân còn chưa cao. Điển hình như tại cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc, mặc dù đã có biển cảnh báo quá chiều cao nhưng nhiều lái xe tải vẫn không chú ý, cố ý đi lên cầu khiến xe bị kẹt, phải chờ cứu hộ, khiến cả tuyến đường dài hàng kilomet ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm.

Giải pháp tăng cường biển báo thông minh

Trước tình trạng trên, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thí điểm lắp đặt biển báo thông minh (VMS) nhằm đưa ra cảnh báo từ xa đối với phương tiện vượt khung giới hạn chiều cao khi lên cầu, đồng thời giúp các phương tiện lựa chọn hướng di chuyển đúng tránh ùn tắc.

Hệ thống biển báo thông minh sử dụng ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xử lí hình ảnh bằng camera, có khả năng phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe khách... nhận diện biển số phương tiện (xe ôtô) và cảnh báo phương tiện quá khổ giới hạn lưu thông đi qua cầu.

Theo đó, khi phát hiện những phương tiện vượt quá chiều cao cho phép, hệ thống sẽ trực tiếp đưa ra cảnh báo bằng việc phát hình ảnh biển kiểm soát xe lên các biển điện tử, được lắp đặt ngay phía lối lên, xuống ở cả 2 đầu cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc.

Cách đó 3 km, tại lối dẫn lên đường vành đai 2 trên cao, theo hướng từ Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở cũng được lắp đặt biển cảnh báo thông minh.

Biển cảnh báo này được lắp đặt ở 2 vị trí thử nghiệm, 1 tại đầu nhánh dẫn lên đường vành đai 2 trên cao theo hướng từ Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở và 1 vị trí trên đường vành đai 2 trên cao, cách đầu nhánh dẫn xuống Ngã Tư Vọng 300m theo hướng từ Cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở.

Lối dẫn lên đường vành đai 2 trên cao, theo hướng từ Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở được lắp đặt biển cảnh báo thông minh.

Lối dẫn lên đường vành đai 2 trên cao, theo hướng từ Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở được lắp đặt biển cảnh báo thông minh.

Với thông điệp “Ngã Tư Sở ùn cục bộ, chú ý chuyển hướng” và “Ngã Tư Sở ổn định” đã giúp người dân cập nhật thông tin về tình hình giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở kịp thời và phù hợp, qua đó điều chỉnh hướng đi phù hợp, góp phần giảm tải về lưu lượng cho nút giao Ngã Tư Sở.

Thông điệp chữ và hình ảnh được cập nhật toàn màn hình theo một chu kỳ 6 giây. Hình ảnh được lấy từ camera quan sát giao thông ở nút giao thông Ngã Tư Sở theo thời gian thực. Cung cấp thông điệp dựa vào tốc độ trung bình của dòng giao thông với ngưỡng 10km/h.

“Biển cảnh báo giao thông theo thời gian thực này đã phát huy hiệu quả, giúp cảnh báo người lái biết tình trạng ùn tắc để tìm hướng đi khác”, chị Phương nói.

Cần nhân rộng mô hình

Qua theo dõi trong thời gian thí điểm từ ngày 13/1 đến ngày 1/6/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá hệ thống biển VMS hoạt động ổn định, cung cấp thông tin về tình hình giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở kịp thời và phù hợp. Qua đó giúp người lái xe điều chỉnh hướng đi phù hợp, góp phần giảm tải về lưu lượng cho nút giao Ngã Tư Sở.

Sở Giao thông Vận tải tiến hành lấy 105 phiếu điều tra các lái xe đối với hệ thống thử nghiệm cho kết quả: 38,1% người lái sẽ dự kiến đổi hành trình khi có cảnh báo trước ùn tắc giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở.

Đối với thí điểm hệ thống cảnh báo các phương tiện quá khổ giới hạn chiều cao qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc với mục tiêu phân loại phương tiện (xe tải, xe con, xe máy), nhận diện biển số phương tiện để cảnh báo khổ giới hạn lưu thông qua cầu đối với các phương tiện vượt quá chiều cao quy định của khung hạn chế chiều cao của cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc.

Thời gian thí điểm từ ngày 1/12/2022 đến ngày 1/6/2023, Sở Giao thông Vận tải đánh giá hệ thống đã hoạt động ổn định và giảm được số lượng va chạm vào khung hạn chế chiều cao của cầu vượt.

Theo thống kê trong thời gian thí điểm có tổng số phương tiện qua cầu theo cả 2 chiều là 13.413.398 phương tiện. Số lượng phương tiện được phát hiện và cảnh báo trước khi lên cầu là 125.263 phương tiện.

Tuy nhiên, trong công tác thí điểm như vị trí lắp đặt camera đang tận dụng tại khung hạn chế chiều cao của cầu, phạm vi cảnh báo là 15m vì vậy phản ứng của người lái xe đối với cảnh báo hơi gấp. Phần mềm nhận biết vẫn còn cảnh báo một số phương tiện có chiều cao thấp hơn khung (như xe khách 16 chỗ với chiều cao 2,2m).

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép Sở được tiếp nhận hệ thống biển VMS để đưa vào tổ chức quản lý, bảo trì và tiếp tục áp dụng trên các tuyến đường khác để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông bằng nguồn vốn quản lý, bảo trì đường bộ đã giao cho Sở Giao thông vận tải năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ngoài ra, việc thí điểm cảnh báo các phương tiện quá khổ giới hạn chiều cao qua cầu vượt Thái Hà-Chùa Bộc, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất tiếp tục tổ chức thí điểm đến hết năm 2023 để khắc phục các tồn tại về phần mềm sau đó tiếp tục đánh giá và báo cáo UBND TP Hà Nội.

Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông toàn quốc, Sở Giao thông vận tải cho biết cũng sẽ tăng cường công tác tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh duy tu, duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quản lý theo phân cấp phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn; tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông; chủ động xây dựng phương án phân luồng giao thông từ xa để giảm thiểu ùn tắc…

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//cong-nghe/ha-noi-giam-tinh-trang-un-tac-giao-thong-tu-mo-hinh-bien-bao-thong-minh-1094075.html