Hà Nội giữ 'phố trong làng, làng trong phố'

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, 2023 là năm khá thành công đối với ngành nông nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Khóa XVII về 'Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...

Đáng chú ý, Sở NN-PTNT thành phố đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Đồng thời, cùng các sở, ngành, địa phương khuyến khích hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn như sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu...

Đến nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.

Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Nguồn: ITN

Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Nguồn: ITN

Cùng với đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với quy mô sản xuất gần 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD, cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008, đứng tốp đầu về quy mô so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng), duy trì và bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm ổn định cho người dân, tạo việc làm và vành đai xanh cho Thủ đô.

Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã rà soát toàn bộ chính sách cho phát triển nông nghiệp Thủ đô và đã kịp thời ban hành bộ chính sách mới của thành phố về phát triển nông nghiệp, với quan điểm vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách theo quy định của trung ương cho các lĩnh vực khuyến khích phát triển, như: sản xuất giống, cơ giới hóa, chuỗi liên kết, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, sinh thái...

Về lâu dài, thành phố đã đánh giá, nghiên cứu và xác định các điểm nghẽn gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp, như: vấn đề quản lý sử dụng, tích tụ đất đai cho tổ chức sản xuất; thẩm quyền quyết định trong việc khuyến khích tổ chức sản xuất; các vấn đề về mô hình sản xuất, tổ chức sản xuất... để đề ra các giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, thành phố đưa vào các nội dung tháo gỡ về thể chế trong Luật Đất đai, đặc biệt là Luật Thủ đô (sửa đổi). Song song với việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đang thực hiện lập và điều chỉnh 2 quy hoạch lớn của Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô).

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội phải là nền nông nghiệp đô thị, sinh thái nền nông nghiệp số với nhiều chất xám, là điển hình của cả nước. Chính vì vậy, trong năm 2024, ngành nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,5 - 3%. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục cơ cấu lại ngành, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường.

Theo đó, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm…

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Hà Nội có khát vọng thay đổi diện mạo nông thôn thành phố với cách tiếp cận mới, trong đó giữ gìn được nền tảng truyền thống văn hóa đi đôi với nâng cao đời sống khu vực nông thôn; giữ “phố trong làng, làng trong phố”, tạo điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cho du khách.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ha-noi-giu-pho-trong-lang-lang-trong-pho-i356156/