Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, kết nối toàn cầu

Để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Ngày 22/12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Kiên trì mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, ở Thủ đô Hà Nội, thực tiễn hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng bộ thành phố, nhất là sau 35 năm đổi mới, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện: Từ kinh tế, văn hóa xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và đối với công cuộc đổi mới đất nước; thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

“Có được những thành tựu đó là do Đảng bộ thành phố đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan tâm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô trong từng giai đoạn phát triển” - ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Hải

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhận thức sâu sắc rằng, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Nhằm tiếp tục phát huy tốt hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, truyền thống cách mạng kiên cường qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Trong đó, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt 8.300 - 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô

Để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự phát triển trong tương lai của Thủ đô cần tiếp tục hội tụ được cả ba việc lớn. Đó là “định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước”; “sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô” và “sự thống nhất, hội tụ và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu để Hà Nội vươn tới tầm cao phát triển mới”.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú khẳng định, Hà Nội là Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Dù xây dựng chính quyền đô thị, đô thị thông minh, sáng tạo thì bản chất bên trong của Hà Nội vẫn phải là Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Do đó, thành phố phải làm cho các nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng chi phối, áp đảo trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để làm được điều đó, Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn và giải quyết hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến chăm lo phát triển, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội, chăm lo cải thiện, bảo vệ môi trường xã hội, văn hóa, sinh thái, nâng cao chỉ số con người, chỉ số hạnh phúc. Đây chính là những thước đo thiết thực nhất, phù hợp với lòng dân nhất về tính ưu việt của Thủ đô xã hội chủ nghĩa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, từ kết quả của hội thảo, Thành ủy Hà Nội sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến tham luận phù hợp để đưa vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đồng thời, Hà Nội khai thác, vận dụng sáng tạo những giá trị to lớn, cốt lõi trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đề xuất những giải pháp cơ bản, phù hợp thực tiễn Thủ đô, góp phần đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra, xây dựng và phát triển Thủ đô của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước đi lên theo con đường chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-huong-toi-muc-tieu-phat-trien-toan-dien-ben-vung-ket-noi-toan-cau-97629.html