Hà Nội lên phương án cấm xe máy vào nội thành vào năm 2030 | Hà Nội tin mỗi chiều

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là 'đáng mơ ước'.

Trung bình giờ cao điểm ở Hà Nội, hàng nghìn phương tiện cùng dồn hết vào các tuyến đường trọng điểm khiến bức tranh giao thông thành phố trở nên hỗn loạn. Tắc đường, phương tiện đan cài vào nhau, còi xe inh ỏi…. Mà đâu chỉ có vậy, khói bụi, ô nhiễm cũng gia tăng do những nguyên nhân vừa nêu. Có lẽ vì thế mà nhiều người nói, “tắc đường là đặc sản” phải thử khi tới Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Dự kiến Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).

Có đến hàng nghìn bình luận ngay dưới thông tin này trên các tờ báo và diễn đàn mạng, khá nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Cấm xe máy, một vấn đề đã được đặt ra từ hàng chục năm trước, không chỉ ở Hà Nội mà còn cả thành phố Hồ Chí Minh. Và như phản ứng thường lệ, những người dùng mạng xã hội hoặc sẽ thả cảm xúc “ha ha” hoặc sẽ để lại những bình luận không mấy tích cực vì theo họ đây như một phương trình vô nghiệm, tức là không có kết quả. Nhưng ngay sau thông tin mới lần này lại có một số lượng người ủng hộ. Tỷ lệ người ủng hộ đã tăng lên rất nhiều so với trước, để "trung hòa" lại với những người còn muốn gắn bó với những chiếc xe máy ở thành thị. Dần dần nhiều người đã nhận ra tác hại của xe máy đối với đô thị và sẵn sàng chịu hy sinh lợi ích riêng.

Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm ở 12 quận nội thành. Ảnh: Báo Dân Trí.

Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm ở 12 quận nội thành. Ảnh: Báo Dân Trí.

Từ khi tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động, bao người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều mừng. Hiệu quả của nó được chứng minh rất rõ nét qua khung giờ cao điểm khi thời gian di chuyển nhanh, vận hành ổn định. Đặc biệt, các điểm bus kết nối đã được bố trí, rất thuận tiện cho người dân sử dụng.

Trong một cuốn sách về văn hóa, có một đoạn nói về tính cách của người Việt. Tác giả nói rằng chúng ta ưa tính tiện lợi, tiện lợi một cách tùy tiện. Và như một cuộc sắp đặt, chiếc xe máy dường như được chế tạo ra là để dành cho người Việt. Một phương tiện nhỏ gọn, dễ luồn lách, giá tiền đủ mọi phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Bảo sao, thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến tháng 7/2022 Hà Nội gần 6,5 triệu xe máy. Con số này chưa bao gồm phương tiện của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố và đã là cách đây 2 năm. Nếu tính theo con số 6,5 triệu xe máy, nếu chỉ 20 phần trăm trong số này hằng ngày mất một giờ đồng hồ trên đường đi làm và về nhà, mỗi giờ lương bình quân 30 nghìn đồng thì xã hội lãng phí khoảng 39 tỷ đồng một ngày. Một con số quá khủng khiếp.

Người dân sẵn sàng đi lên vỉa hè tránh tắc. Ảnh: Báo Dân Việt.

Người dân sẵn sàng đi lên vỉa hè tránh tắc. Ảnh: Báo Dân Việt.

Có những hôm dòng người lao vút trên vỉa hè ở đường Nguyễn Trãi, đá lát kêu lộc cộc ai oán, nhưng chẳng ai hay. Thậm chí, vì bóp còi giữa điểm ùn tắc mà có người vì nóng nảy đã dừng xe giữa đường, gây gổ. Thật đáng suy ngẫm, hình như mọi người có thể đã có lúc “xấu xí” như vậy với những phiến đá, hàng cây và chính mình khi tham gia giao thông!

Chủ trương cấm xe máy lần này của thành phố rất đáng để ủng hộ, cấm càng sớm càng tốt. Không cấm thì đô thị tiếp tục nhếch nhác, tắc đường, ô nhiễm...Dĩ nhiên cấm xe máy sẽ gây những xáo trộn cực lớn cho nhiều người trong thời gian đầu. Bởi chúng ta đã "đi và ăn" với xe máy quá lâu rồi. Nhưng phải cấm các bạn ạ. Có cấm thì mới phát triển được giao thông công cộng. Không cấm xe máy thì không có không gian phát triển giao thông công cộng. Dù mới có vài tuyến metro, nhưng bên cạnh đó còn có xe buýt, xe buýt điện... những loại hình này sẽ phát huy tối đa vai trò của chúng.

Cấm xe máy, hy sinh thói quen tiện dụng hàng ngày, có thể đụng chạm đến chén cơm của nhiều người, của các ngành dịch vụ. Nhưng đây là một bước dừng để tiến xa hơn hai, ba bước bởi xe máy mới chính là bước lùi của giao thông đô thị. Không xe máy, đô thị sẽ ngăn nắp hơn, không còn hàng triệu chiếc xe máy như bầy ong vỡ tổ mỗi sáng, chiều. Cấm xe máy, dù thế nào cũng vẫn nên làm.

Lê Thông

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-len-phuong-an-cam-xe-may-vao-noi-thanh-vao-nam-2030-ha-noi-tin-moi-chieu-275807.htm