Hà Nội – nơi trái tim luôn hướng về!

Hà Nội vốn đã đẹp, Thu Hà Nội còn đẹp đến nao lòng bởi Tháng 10 tựa như một nàng thơ. Cứ mỗi độ Thu về, là mọi ngả đường con phố đều đắm chìm trong hương hoa quyến rủ của những bông sữa đầu mùa, của màu cốm xanh, những thảm lá vàng… luôn gây thương nhớ cho bất cứ ai đã đến để rồi lỡ 'phải lòng' mảnh đất này.

Hà Nội trong tôi

Tư liệu, hình ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm Ảnh: Khánh Huy

Tư liệu, hình ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm Ảnh: Khánh Huy

Năm nay, Thu Hà Nội còn thêm phần đặc biệt bởi chúng ta vừa bước qua lễ kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với thật nhiều cảm xúc. Ngày lễ không chỉ là dịp để thế hệ cha ông ôn lại kỷ niệm, là cơ hội để mỗi công dân được hiểu sâu sắc hơn về lịch sử – một Thủ đô kiên cường trong chiến tranh và đầy tự hào trong hòa bình mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ được hòa vào dòng cảm xúc thiêng liêng của mảnh đất đã sinh ra những con người kiên trung, bất khuất…

Trong không khí Thu Hà Nội, trong không gian tái hiện ngày Giải phóng Thủ đô, có những bạn trẻ đã chung dòng suy nghĩ, cảm xúc: “mình thật tự hào và xúc động, vì được là con của mảnh đất Việt Nam – nơi mỗi người đều mang trong mình ngọn lửa yêu nước thiêng liêng, không bao giờ lụi tắt. Thế hệ ông bà cha mẹ chúng ta đã đi qua những năm tháng gian nan, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để giữ lấy đất nước này và giờ chúng mình được lớn lên trong hòa bình, nhưng tình yêu dành cho Tổ quốc vẫn vẹn nguyên, sâu đậm. Thời gian có thay đổi, nhưng tinh thần dân tộc, sự đoàn kết và lòng biết ơn luôn chảy tràn, như dòng sông chảy mãi qua các thế hệ. Bố mẹ đã dạy cho chúng mình rằng, tình yêu Tổ quốc không chỉ là những lời nói, mà còn là sự hy sinh thầm lặng, là lòng tự hào không gì có thể thay thế. Kiếp này may mắn làm người Việt Nam, kiếp sau chúng mình vẫn sẽ gặp nhau ở đất nước này, cùng mang trong mình trái tim đỏ thắm của dân tộc!”.

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 diễn ra tại sân khấu Quảng trường Đoan Môn - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long. Ảnh: Khánh Huy

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 diễn ra tại sân khấu Quảng trường Đoan Môn - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long. Ảnh: Khánh Huy

Tưởng chừng có những giai đoạn, chúng ta từng hoài nghi về thế hệ trẻ, sợ họ lãng quên lịch sử của dân tộc khi tiếp cận với văn hóa ngoại lai. Nhưng dường như cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, khi sống trong một thế giới phẳng, được tiếp cận với mọi nền văn hóa cũng là lúc người trẻ thêm tự tin hiểu biết và hơn hết là tinh thần học học, niềm tự hào dân tộc càng được cảm nhận mạnh mẽ và đa chiều. Người trẻ ngày càng tiên phong trong nhiều vấn đề về văn hóa và lịch sử, cũng chính họ đang góp phần đưa lịch sử được thấm nhuần trong tư tưởng với những cảm nhận rõ nét về giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc.

Bởi chính các bạn trẻ đã nhận thấy: “trong muôn vàn những điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại cho mỗi người thì hòa bình là món quà vô giá nhất. Để có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay, ông cha đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Độc lập, tự do, cơm no áo ấm, được viết lên bởi những tấm lòng trung kiên, bởi một thế hệ không biết cúi đầu, một thế hệ mà chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ và biết ơn”.

Hòa trong dòng cảm xúc ấy, những ngày này trong tiết trời Thu dịu nhẹ, nhắc về Hà Nội – nơi in dấu từng bước chân, từng kỷ niệm thân quen của mỗi người dân Hà Nội nói riêng và những người đã từng đặt chân đến Hà Nội nói chung, đều mang trong mình những cảm xúc thật lạ, đó là tình yêu, sự gắn bó nhung nhớ đối với Hà Nội. Không gian ấy, không chỉ là những hàng cây rợp bóng, những con phố cổ kính, mà còn là sự bình yên, dịu dàng, nhẹ nhàng rất thơ đã gắn kết đậm sâu biết bao thế hệ mà dù có đi đâu, vẫn luôn nhớ về Hà Nội, một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi, khó có thể quên được!

Sự kiện trọng đại "Ngày hội văn hóa vì hòa bình", tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: Khánh Huy

Sự kiện trọng đại "Ngày hội văn hóa vì hòa bình", tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: Khánh Huy

Để rồi hôm nay, giữa mùa Thu vàng lịch sử, Hà Nội không chỉ ẩn hiện trong vẻ đẹp của lớp lang văn hóa truyền thống, lịch sử mà còn khoác lên mình vẻ đẹp rạng ngời của một thành phố hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên nét thanh lịch và sâu lắng của một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong tâm hồn mỗi người, Hà Nội đã không chỉ là một điểm đến, mà còn là chốn về – nơi ta tìm thấy chính mình trong từng góc nhỏ, ngõ nhỏ, phố nhỏ… với từng kỷ niệm đẹp.

“Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình...”, luôn gợi lên trong lòng chúng ta bao nỗi nhớ thương da diết về Thủ đô yêu dấu. Quá khứ - hiện tại - tương lai là dòng chảy liên tục của văn hóa, lịch sử, về những trang sử hào hùng của dân tộc sẽ mãi trường tồn cho dù thời gian trôi qua. Và dù có đi xa bao nhiêu, lòng mỗi người vẫn mãi nhớ về Hà Nội – nơi trái tim đã lỡ nhịp với đất trời và con người nơi đây, nên tim luôn hướng về miền dấu yêu sâu thẳm!

Thùy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-noi-trai-tim-luon-huong-ve-398009.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndewmtqymza0mda=&secureurl=f6