Hà Nội phát huy lợi thế, mạnh mẽ hành động, bứt phá hút vốn FDI chất lượng cao

Với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của chính quyền thành phố, những năm qua, Hà Nội luôn nằm trong top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước, tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt nhà đầu tư.

Hà Nội luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước. (Ảnh: Minh Hiếu)

Hà Nội luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước. (Ảnh: Minh Hiếu)

Kinh tế phục hồi

Mới đây, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024, 9 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024, UBND TP. Hà Nội cho biết, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thành phố thực hiện là 68.439 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán đầu năm, tăng 17,1% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 30.465 triệu USD, tăng 13%.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 2,6%). Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,581 triệu lượt, tăng 31,3%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khá, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút 1.540,4 triệu USD vốn FDI, trong đó có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.111,5 triệu USD; 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220,7 triệu USD và 178 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 208,1 triệu USD.

Đặc biệt, Hà Nội luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 9 tháng năm 2024, vốn FDI rót vào 10 địa phương này chiếm 80,1% số dự án mới và 72,9% số vốn đầu tư của cả nước.

Từ 4 dự án đầu tiên với tổng vốn đầu tư 48 triệu USD vào năm 1989, 35 năm sau, tính đến tháng 9/2024, đã có gần 7.495 dự án FDI vào Hà Nội với tổng đầu tư trên 55,73 tỷ USD. Nguồn vốn ngoại có những đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng GDP, chiếm trên 50% tỷ trọng xuất khẩu của Thủ đô.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội còn cao, kéo theo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng…

Theo kế hoạch, năm 2024, TP. Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 3,15 tỷ USD vốn FDI; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Thủ đô tiếp tục thu hút khoảng 2,7 tỷ USD vốn FDI. Để đạt được con số này, thành phố cần có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thu hút đầu tư để các doanh nghiệp không còn nhiều băn khoăn, vướng mắc.

Giải pháp bứt phá hút vốn FDI

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024; rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn. Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hôm 17/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, phân cấp, ủy quyền, thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,… Điều này không chỉ giúp Thủ đô nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của Thành phố. Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.

Hà Nội luôn là địa phương nằm trong top đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi chọn điểm dừng chân tại Việt Nam. (Ảnh: Linh An)

Hà Nội luôn là địa phương nằm trong top đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi chọn điểm dừng chân tại Việt Nam. (Ảnh: Linh An)

Tháng 11/2023, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã tiếp nhận bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ, với 111 dự án đầu tư, bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký khoảng 116 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Hà Nội luôn là địa phương nằm trong top đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi chọn điểm dừng chân tại Việt Nam. Lựa chọn những dự án công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao, FDI xanh là trách nhiệm của thành phố để xây dựng một đô thị tầm vóc, văn minh, hiện đại.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý, Hà Nội cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Hà Nội trở thành “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế”; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy và đẩy mạnh hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và niềm tin của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Thủ đô đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, là địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính. Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hạn chế nhiều thủ tục rườm rà trong quá trình đầu tư. Vì vậy, đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới.

Thành phố cũng rất quan tâm tới việc lắng nghe chia sẻ, đề nghị của các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiều lần tổ chức gặp mặt, đối thoại tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực như thủ tục, chính sách đất đai, thuế…

Ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn, các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn Hà Nội cũng đang từng bước mạnh dạn hơn trong tham gia vào thị trường kinh doanh thời điểm này. Với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt và phù hợp với thực tiễn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của TP. Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ha-noi-phat-huy-loi-the-manh-me-hanh-dong-but-pha-hut-von-fdi-chat-luong-cao-288688.html