Hà Nội phun khử khuẩn lần 2 tại các trường học, cơ sở giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn gửi các trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về việc tiếp tục khử khuẩn lần 2 để tăng cường phòng, chống dịch nCoV.
Thời gian thực hiện khử khuẩn lần 2 được tiến hành trong hai ngày thứ sáu (7/2) và thứ bảy (8/2).
Sở yêu cầu, các đơn vị hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, học sinh kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Các đơn vị có các biện pháp quản lý học sinh trong thời gian tạm nghỉ học, đề nghị cha mẹ học sinh thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp quản lý và chăm sóc sức khỏe con em mình. Cùng đó, cần rà soát, kiểm tra đặc biệt đối với giáo viên, học sinh đã đến và đi từ vùng có dịch, có biểu hiện mắc dịch cúm viêm đường hô hấp cấp.
Toàn bộ các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội tạm dừng hoạt động đến hết ngày 9/2. Các đơn vị phối hợp với trung tâm y tế trên địa bàn, tiếp tục triển khai công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường trước khi đơn vị hoạt động trở lại.
Chia sẻ về việc vệ sinh nhà cửa, môi trường để phòng bệnh, PGS. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho rằng, nắng nóng ở nhiệt độ trên 25 độ C làm nCoV bị tiêu diệt nhanh hơn. Điều này đúng là làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Bởi nếu người bệnh có tiếp xúc, chạm vào các vật dụng thì khi có nắng nóng vi rút bám trên bề mặt các đồ vật sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, hình thức lây nhiễm trực tiếp và lây qua giọt bắn tiết dịch từ người bệnh vẫn còn nguyên tác hại nên không phải vì thế mà chủ quan cho rằng, khi nắng lên dịch bệnh sẽ không lây nhiễm.
Theo các chuyên gia, nCoV tồn tại khá yếu ngoài môi trường và bị tiêu diệt dễ dàng bởi các chất sát trùng thông thường như cồn 70 độ, Cloramin B 0,5%, xà phòng… Do đó, việc vệ sinh cơ thể, làm sạch nhà cửa là cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình trước rất nhiều tác nhân gây bệnh chứ không riêng gì nCoV. Mỗi gia đình nên tự khử khuẩn môi trường trong nhà để phòng tránh nCoV.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác - Xã hội kiêm điều hành Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, phòng tránh nCoV bằng việc vệ sinh môi trường và nhà ở cũng giống như vi rút cúm hay vi rút tay chân miệng là vô cùng quan trọng. Hóa chất thường được sử dụng để vệ sinh khử khuẩn là Cloramin B và cũng có thể sử dụng nước Javel.
Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời tiết càng nóng, độ ẩm càng cao thì nCoV bắt đầu yếu đi nhưng không có nghĩa người sống trong môi trường nhiệt độ nóng, độ ẩm cao thì không cần phòng ngừa. Bởi vì đặc tính của vi rút corona thường gây bệnh cảm lạnh vào mùa đông, như vậy có thể hy vọng hết mùa đông, khi vùng ôn đới ấm lên thì khả năng lây lan bệnh sẽ giảm xuống.
Trước đó,Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố tổ chức vệ sinh, khử khuẩn môi trường để phòng ngừa dịch bệnh do chủng mới nCoV gây ra.
Sở Y tế khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi tập trung đông người: Cần tự thực hiện việc khử trùng môi trường bên trong phòng làm việc, nơi sinh hoạt đông người thông qua việc vệ sinh, khử trùng bề mặt bằng việc lau sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, nơi có nhiều người tiếp xúc.
Sử dụng các dung dịch vệ sinh thông thường hoặc dung dịch có chứa Clo để vệ sinh cần thực hiện ít nhất 2 lần/ngày.
Đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo triển khai khử khuẩn những nơi công cộng (nhà ga, bến xe, chợ, siêu thị…) bằng phun dung dịch Choramin B theo nồng độ khuyến cáo của Bộ Y
Việc thực hiện phun khử khuẩn những nơi công cộng do Trung tâm Y tế huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện; hóa chất, máy phun, cán bộ kỹ thuật do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung ứng. UBND huyện, thành phố hỗ trợ nhiên liệu chạy máy phun, công phun, bảo hộ lao động cho người đi phun.