Hà Nội: Siết chặt quản lý hàng hóa, an toàn thực phẩm tại chợ Long Biên

oàn kiểm tra của thành phố Hà Nội vừa có buổi kiểm tra thực tế hoạt động của chợ Long Biên, phát hiện công tác tổ chức điều hành của Ban Quản lý (BQL) chợ còn nhiều bất cập, việc quản lý hàng hóa cũng như cũng như việc kiểm soát ATTP còn nhiều tồn tại.

Kiểm tra tại gian hàng của chị Hoàng Thị Thùy ở ô số 28, dẫy K2.

Nhiều bất cập trong việc quản lý hàng hóa

Chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) được phân hạng là chợ loại 2, kinh doanh chủ yếu hàng nông sản (rau, quả tươi, thủy hải sản, hàng khô…). Chợ có diện tích trên 27.000m2, hoạt động 24/24h, sôi động nhất là từ 21h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau.

Tại buổi kiểm tra thực tế gian hàng của chị Hoàng Thị Thùy ở ô số 28, dẫy K2, khu vực bán một số loại quả gia vị tuy nhiên chủ gian hàng này vẫn chưa trang bị giá kệ, thay vào đó là sử dụng các vỏ thùng xốp, rổ, giá để dưới nền chợ.

Tại kiot số 61-63 của chợ, khi đoàn kiểm tra hỏi về xuất xứ một số loại khoai, chủ cửa hàng này cho biết "hôm nay chưa kịp mang giấy tờ qua". Kiểm tra tại kiot số 33 K3 chủ cửa hàng mang ra một cuốn sổ ghi số lượng khoai đã xuất ra và nhập vào chứ không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo quan sát của PV, ở một số cửa hàng nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm như nấm ăn cũng không ghi rõ nguồn gốc, bao bì đóng gói không có bất kỳ thông tin gì. Một số loại nấm có thông tin về nguồn gốc thì lại ở tình trạng hết hạn sử dụng.

Theo lãnh đạo BQL, hiện có 70% xe trở hàng hóa ở chợ là xe trung chuyển (chỉ bốc dỡ), còn 30% là xe cố định (bán luôn tại xe), những ngày cao điểm có thể lên tới 500 - 600 lượt ra vào.

Hầu hết các chủ hộ kinh doanh đều có xe riêng và có biển số xe cố định, còn lại 3 - 5% ở một số ở tỉnh, thành phía bắc vận chuyển hàng hóa xuống.

Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa

Hiện nay chợ Long Biên là chợ hạng 2, số lượng gian hàng của chợ hạng 2 theo quy định "có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh". Thực tế, hiện nay chợ này có tới 1.108 cơ sở kinh doanh với 946 hộ có đăng ký, điều này nẩy sinh bất cập nếu áp dụng theo quy định của chợ hạng 2 thì "không đủ" mà áp dụng theo mô hình chợ đầu mối thì chưa thực hiện được.

Có 846 cơ sở kinh doanh mặt hàng nông lâm thủy sản đều có ký cam kết đảm bảo ATTP còn lại là các gian hàng nhỏ lẻ, mang tính chất thời vụ. Với tính chất hoạt động chủ yếu về đêm, sản lượng lớn, số lượng hộ kinh doanh nhiều việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa theo quy định phải bắt buộc, nếu nắm rõ được nguồn gốc hàng hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nông sản.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, mặc dù chợ đã có sổ ghi chép hàng hóa, nhưng việc ghi chép rất vắn tắt, một số nội dung chính để biết được nguồn gốc hàng hóa như là tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại...cũng chưa đầy đủ.

Ngoài ra, các thành viên trong đoàn kiểm tra cũng lưu ý BQL chợ Long Biên cũng như UBND quận Ba Đình cần coi trọng việc hậu kiểm. Đó là việc kiểm tra xử lý những đơn vị cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh, tới đây việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tính toán lại, vai trò của BQL chợ cần phải nâng cao hơn và có bài bản hơn. Không có công tác nào quản lý tốt hơn là đơn vị trực tiếp quản lý. Trong lĩnh vực kiểm tra ATTP, "cần hệ thống hóa, có trình tự quản lý cụ thể như vậy mới nâng cao được chất lượng công tác tuần tra xử lý.

Một số hình ảnh P.V ghi nhận tại chợ Long Biên:

Tại kiot số 61-63 của chợ, đoàn kiểm tra hỏi về xuất xứ nông sản.

Ban quản lý chợ thường xuyên phát khẩu trang cho các tiểu thương.

Một số xe máy vận chuyển lợn vào chợ nhưng không che chắn nên bị bảo vệ chợ ngăn lại.

Đoàn kiểm tra khu vực xuất nhập hàng hóa và việc tổ chức ra vào của các xe nông sản.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-hang-hoa-an-toan-thuc-pham-tai-cho-long-bien-post75116.html