Hà Nội: Tăng cường giải ngân kế hoạch đầu tư công

6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố Hà Nội mới giải ngân đạt 10.777 tỷ đồng, bằng 21,1% kế hoạch giao, trong đó cấp thành phố giải ngân đạt 18,3% và cấp huyện đạt 23,4%, vẫn thấp hơn so với yêu cầu. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là do những tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ nhiều năm. Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với dự án bồi thường.

Tập trung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Quận Cầu Giấy đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Gỡ “nút thắt”, tạo đà phát triển cho huyện Ứng Hòa

Nghiên cứu giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2022

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao là nhiệm vụ chính trị, cấp bách cần phải quan tâm, thực hiện trong 6 tháng cuối năm theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và HĐND thành phố trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và UBND thành phố.

Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 nhằm bảo đảm tiến độ đề ra Ảnh: Vũ Thành

Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 nhằm bảo đảm tiến độ đề ra Ảnh: Vũ Thành

Trong Chỉ thị 10/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND thành phố yêu cầu, ngoài thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định từ đầu năm; tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố, các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công.

Các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm và đột xuất về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công theo đúng thời gian, nội dung và các biểu mẫu quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức giao ban hằng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021 của Chính phủ và Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 10.2.2022 của UBND thành phố về “Quy định phân công tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư của thành phố Hà Nội”.

UBND thành phố giao các chủ đầu tư nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài của các dự án được giao (đạt tỷ lệ 100%) theo quy định của Luật Đầu tư công.

Tuyệt đối không để xảy ra việc nợ đọng xây dựng cơ bản.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90% kế hoạch. Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND thành phố xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp.

UBND thành phố giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm trước thành phố về việc hướng dẫn các chủ đầu tư xử lý các nội dung vướng mắc theo thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế, dự toán; tăng cường quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng, chất lượng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật; kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết nội dung vượt thẩm quyền.

Cùng với đó, triển khai tốt công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp thành phố do các ban quản lý dự án của thành phố làm chủ đầu tư. Cân đối bố trí ngân sách huyện đối ứng với ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện, trong đó cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án xác định là sẽ hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của thành phố. Tuyệt đối không để xảy ra việc nợ đọng xây dựng cơ bản. Các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết với thành phố kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố kết quả giải ngân các dự án, hoàn thành trước ngày 5.8.2022.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn, các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 để có đủ thủ tục đề xuất bố trí vốn thực hiện dự án trong kế hoạch vốn năm 2022 và 2023. Đồng thời, sớm hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án có thời gian thực hiện đến hết năm 2022 nhưng không hoàn thành theo tiến độ để đủ điều kiện bố trí vốn năm 2023. Thành phố chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, các chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án thực hiện “Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của Thành phố” để đủ điều kiện xem xét, bố trí vốn ngân sách thành phố vào kỳ họp HĐND thành phố tháng 9.2022.

Anh Lương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ha-noi--tang-cuong-giai-ngan-ke-hoach-dau-tu-cong-i296266/