Hà Nội: tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm

Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội đang được các chủ đầu tư, đơn vị tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô

Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm của TP nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: Khánh Huy

Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm của TP nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: Khánh Huy

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết, năm 2024 TP Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn.

Cụ thể, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Dự án đi qua 3 tỉnh, TP (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 10,8%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 37,8 % kế hoạch vốn.

Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội (giai đoạn 1): với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Dự kiến công trình gắn biển khánh thành vào ngày 8/10/2024 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong các công trình lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã khánh thành đi vào hoạt động ngày 21/9/2024.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ, nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đến nay đã giải ngân 8,8% kế hoạch vốn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND thành phố Hà Nội được tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú cho biết, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, còn những trở ngại, thách thức như: giá cả tăng cao; doanh nghiệp còn khó khăn; tai nạn giao thông và cháy, nổ phức tạp; ảnh hưởng của bão số 3… vẫn là những khó khăn nội tại ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trong quý IV/2024, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch. Mục tiêu là hoàn thành toàn diện Kế hoạch đầu tư công năm 2024, qua đó tạo cơ sở cho việc hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Các dự án đầu tư công không chỉ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mà còn hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, và cải thiện đời sống của người dân. “Đặc biệt, các dự án liên quan đến hạ tầng giao thông và phòng chống thiên tai sẽ là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững cho Hà Nội” - Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-cuong-nguon-luc-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-cong-trinh-trong-diem-397065.html