Hà Nội: Tăng cường xử lý, tuyên truyền về an toàn giao thông tới học sinh
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; xử lý vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh của Công an thành phố Hà Nội, vừa qua, các đội cảnh sát giao thông đã liên tục ra quân, xử lý kết hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức về luật an toàn giao thông tới phụ huynh và học sinh.
Việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và xe máy bao năm nay vẫn luôn là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội; ngoài việc các em chưa có bằng lái xe, kỹ năng xử lý các tình huống còn kém thì, ý thức điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông của một bộ phận học sinh còn hạn chế, thậm chí coi thường pháp luật, tính mạng của bản thân và của người khác.
Trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền, Bộ, ban ngành liên quan, gia đình và nhà trường đã ra sức tuyên truyền, vận động thậm chí mạnh tay xử lý các trường hợp học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện trên đường đã được thực hiện một các quyết liệt nhưng xem ra vấn nạn này cần một "liều thuốc" khác nặng "đô" hơn để xử lý được triệt để.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Công Hà, cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội) cho biết, lứa tuổi học sinh cần phải được giáo dục về luật giao thông, văn hóa giao thông ngay từ khi còn đi học, đó cũng coi như là nền tảng của các em sau này, kết hợp song song với đó là sự đồng hành của nhà trường, các bậc phụ huynh và lực lượng công an.
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện Hà Nội có khoảng trên dưới 200.000 xe đạp, xe máy điện các loại; và một số lượng không nhỏ trong số này đang được điều khiển bởi các em học sinh. Lý do học sinh của chúng ta chọn xe điện bởi đây là loại xe phù hợp với khả năng kinh tế của đại đa số các gia đình, học sinh không cần bằng lái, không cần đổ xăng và một số loại xe điện có thể chạy tương đương vận tốc xe máy.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy hoặc các phương tiện tương tự có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 và phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông (theo quy định tại khoản 1 điều 60 của Luật Giao thông đường bộ 2008). Do đó học sinh cấp 2 (từ 11 - 15 tuổi) chưa đủ 16 tuổi thì không được điều khiển xe máy điện.
Mặc dù xe điện có điểm tốt như thân thiện với môi trường, dễ vận hành như trong nhiều năm qua, loại xe này đã bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị; đặc biệt một số trường hợp gây cháy nổ thiệt hại về người và của.
Theo đại diện Cục CSGT, đơn vị đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định xử phạt hành chính, trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức phạt với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến quy tắc giao thông...
Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai của lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng CSGT, tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Trong đó, tai nạn giao thông đã được kiềm chế, ý thức người tham gia giao thông từng bước nâng lên.
Nhìn tổng thể tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt được ra như: Hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; phương tiện tăng hàng năm gần 500 nghìn ô tô, hơn 2 triệu xe máy; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao...
Điều trên dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe; tai nạn liên quan đến độ tuổi học sinh còn xảy ra…
Để lập lại trật tự, kiềm chế tai nạn giao thông, nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa giao thông văn minh, đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, đảm bảo việc tuyên truyền và chế tài xử lý phải mạnh để xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông.
Việc tăng mức xử phạt sẽ tập trung vào các các hành vi như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng; một số nhóm hành vi không chấp hành các quy định về sở hữu phương tiện; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che biển số… Đây là hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.