Hà Nội: 'Tiễn' ông Táo về trời, người dân thả cá, không thả túi nilon

Hôm nay (4/2), nhiều người dân đã phóng sinh cá chép theo phong tục ngày Tết ông Công, ông Táo 23 tháng chạp. Tại Hà Nội ở những khu vực có hồ nước lớn hay sông Hồng, có rất nhiều người dân đến đây để phóng sinh cá chép, với ý nghĩa để cung tiễn ông Táo về trời.

Ghi nhận của PV vào sáng nay, tại khu vực ven Hồ Tây, rất đông người dân đã đến đây thả cá chép để cung tiễn ông Táo về trời.

Đã từ lâu, khu vực hồ Tây luôn là điểm đến thả cá vào ngày 23 tháng chạp.

Mỗi gia đình, hay mỗi người đến đây thả cá với 3 con cá chép được đựng trong túi ni lon.

Theo quan niệm dân gian, Táo quân (hay còn gọi là ông Công ông Táo) là các vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống để cai quản dưới hạ giới. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa cho gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Chính vì vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại làm lễ cúng ông Công ông Táo để tiễn Táo quân về trời, báo cáo công việc một năm qua với thiên đình.

Mọi người sau khi làm lễ cũng xong sẽ đem cá phóng sinh ra sông hồ với ý nghĩa tượng trưng “cá chép hóa rồng” đưa ông Công ông Táo về chầu trời.

Nhiều người cẩn thận còn thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất.

Tại quanh khu vực hồ Tây, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường đã có rất nhiều biển báo hạn chế thả rác thải được đặt quanh khu vực này.

Đa phần mọi người đều có ý thức tốt trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường khi đem cá tới.

Ghi nhận tại khu vực cầu Long Biên (Hà Nội), vào sáng nay (4/2) lượng người dừng lại cầu để thả cá là không quá nhiều, hiện tượng ùn tắc như mọi năm không còn xảy ra.

Để thả cá vừa mang ý nghĩa tâm linh và vừa bảo vệ môi trường. Vào sáng nay, tại đây đã có một nhóm người tình nguyện trực tiếp dọn dẹp và hướng dẫn người dân thả cá đúng cách. Những người này đã phải phân loại và thu gom lại những túi nilon người dân bỏ lại.

Nhiệm vụ của các bạn trẻ trong nhóm là hướng dẫn và giúp người dân thả tiễn ông Công, ông Táo một cách đảm bảo vệ sinh, qua đó cũng tuyên truyền về việc không xả chất thải túi nilon ra ngoài môi trường.

Cá chép được thả trực tiếp xuống sông hoặc cho vào xô ròng dây thả xuống bờ nước, hạn chế tình trạng vứt rác thải là túi nilon ra môi trường.

Để "tiễn" cá xuống sông, nhiều người đã dùng cách thả vào xô, rồi từ từ thả xuống.

Cá chép được cho vào xô nhựa, thả thấp xuống lòng sông và đổ ra.

Những túi tro, tàn nhang ra vứt cùng với lúc thả cá chép được các bạn tình nguyện viên thu dọn.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-tien-ong-tao-ve-troi-nguoi-dan-tha-ca-khong-tha-tui-nilon-post117554.html