Hà Nội: Trái tim hồng của mỗi người Việt Nam và bè bạn
Câu hát 'Mỗi bước đi trên đường Hà Nội/Lại cho tôi một tình yêu mới' của nhạc sĩ Nguyên Nhung đã nói lên những gì thiêng liêng nhất trong tâm tưởng chúng ta.
Tình yêu lớn mang tên Hà Nội không chỉ lắng đọng trong thời gian, trong tiến trình lịch sử của thành phố mà còn lan tỏa cả trong không gian truyền thống và hiện đại của thành phố.
Vẫn còn đây những câu thơ hào sảng mà sâu lắng, lay động lòng người của nhà thơ Tạ Hữu Yên khi viết về cái ngày mùa Thu lịch sử 10/10/1954 khi thành phố được tiếp quản trọn vẹn, khi Hà Nội đã là của nhân dân:
“Không thể nói trời không xanh hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”
Biết bao những mốc lịch sử trọng đại từng diễn ra với Thăng Long – Đông Đô- Hà Nội để mỗi lần khẳng định thêm vị trí của mảnh đất này với vận mệnh cả đất nước. Nhưng riêng cột mốc lịch sử 10/10/1954 cho dù mỗi người trong chúng ta có thể có những cảm nhận riêng song mẫu số chung vẫn là từ nay, lịch sử Hà Nội đã gắn chặt với lịch sử đất nước hơn lúc nào hết.
Thấm thoắt đã tròn 70 năm. 70 năm qua cũng là 70 năm hào hùng nhất, sôi động nhất khi Hà Nội cùng cả nước xây dựng đất nước cả trong thời bình lẫn chiến tranh, cùng cả đất nước đổi mới, hội nhập và khẳng định vị thế mới của cả đất nước.
Quên sao được những ngày tháng 10/1954, khi đoàn quân kéo về tiếp quản Thủ đô để khẳng định ý chí, cơ đồ Việt Nam, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
Quên sao được những tháng ngày cuối cùng của năm 1972 khi Hà Nội hiên ngang trong dáng đứng một Thủ đô của phẩm giá con người "vít cổ" pháo đài bay B52 để cùng cả nước bước vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Quên sao được những năm tháng từ tâm thế người chiến thắng đến tâm thế người dựng xây từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Cả nước thống nhất, Hà Nội trong vai trò Thủ đô cùng cả nước vượt qua khó khăn khôi phục kinh tế. Trong đó, từ thời kỳ đổi mới (năm 1986), Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm, đóng góp khoảng 16% GDP và 18,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng (tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%), phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt trên 12,13%.
Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng (đạt 332.089 tỷ đồng), trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước.
Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội bảo đảm, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.
Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư và có tính kết nối cao. Hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh và hiện đại hóa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn được bảo đảm tuyệt đối. Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Những thành tựu này không chỉ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện của thành phố.
Hà Nội được quốc tế công nhận và vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” thể hiện sự kết tinh, tỏa sáng của những giá trị nhân văn, nhân bản của lịch sử ngàn năm trong dòng chảy của lịch sử hiện đại.
"Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" đó luôn là tâm thế sống và hành động vì sự phát triển của tất cả chúng ta với thủ đô yêu quý ngàn năm văn hiến đang vững bước trên đường dựng xây và hội nhập. Để trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn có một trái tim hồng mang tên Hà Nội trong mỗi người, cũng là để chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hà Nội đang cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mãi xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng, thủ đô văn hiến của dân tộc Việt Nam văn hiến. Sẽ vẫn là tinh thần “với ước mơ huy hoàng vĩ đại, Hà Nội đang rộn ràng tiến bước” của một thành phố luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng.