Hà Nội 'truy tìm' chủ đầu tư trồng cây nguyên bọc bầu

Liên quan đến việc một số cây xanh gãy đổ do bão ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đang 'truy tìm chủ đầu tư'.

Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2024.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng nhiều cây xanh gãy đổ tại Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu, đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cho biết, qua rà soát, trong những cây xanh đô thị bị gãy đổ sau bão số 3, có 12 cây còn nguyên bọc bầu. Trong đó, 7 cây được bọc bằng vật liệu không phân hủy được, 5 cây bọc bằng vỏ bao xi măng.

Đại diện Sở Xây dựng đánh giá, việc trồng cây còn nguyên bọc bầu bằng vật liệu không phân hủy được khiến cây xanh không thể phát triển.

Hà Nội trồng lại 4.103 cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra.

Hà Nội trồng lại 4.103 cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra.

"Việc đầu tư để trồng cây, Sở Xây dựng không làm, mà sau khi trồng cây xong, Sở Xây dựng đảm nhiệm việc duy tu, duy trì, cắt cây, tỉa cành, tưới cây. Đây là một việc mà Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Năm 2014, Sở Xây dựng đã rà soát 1 lần. Với 12 cây này, chúng tôi tiếp tục truy tìm chủ đầu tư để chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình", ông Hưng thông tin.

Theo thống kê, với loại cây TP Hà Nội quản lý thì có 11.756 cây gãy, đổ. Cây dựng lại được ngay tại chỗ là 3.513 cây, cây chuyển về vườn ươm để cứu là 608 cây; tổng số cây dựng tại chỗ và đưa về vườn ươm cứu là 4.103 cây. Cây gãy, đổ không cứu được, phải cắt khúc chuyển về để đấu giá thanh lý là 7.635 cây. Tổng hợp cây quý hiếm, cây lịch sử, cổ thụ có 98 cây, trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây (cứu được 33 cây, 2 cây không cứu được vì khi đổ thân bị toác sâu xuống gốc).

Về công tác trồng cây, theo ông Hưng, việc trồng cây đã được UBND TP.Hà Nội quyết định ngày 8/12/2020 về quy trình định mức kỹ thuật duy tu, duy trì. Theo đó, kích thước hố được quy định, kích thước bầu cũng được quy định, độ sâu trồng cũng được quy định rõ ràng.

Cũng theo Giám đốc trung tâm hạ tầng, về bộ rễ của cây xanh, với khu phố cổ Hà Nội khi mở rộng vỉa hè thì cây nằm hoàn toàn trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dưới là cấp thoát nước, viễn thông, điện lực, có những cây khi cắm rễ xuống đất không cắm được nên rễ cây ăn ngang, đâm chồi lên. Ông Hưng đề nghị các quận, huyện khi làm vỉa hè phải phù hợp với cây có sẵn về chiều rộng, cao của bồn cây.

Hà Nội chi hơn 220 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai vừa qua, tình hình thiệt hại trong trên toàn địa bàn TP cập nhật 7h ngày 26/9/2024 cụ thể như sau: Cây bị gẫy, đổ trên 100.000 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha, thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha; trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc… xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt…; Sản xuất công nghiệp chịu thiệt hại nhẹ (số liệu tính đến ngày 30/9/2024).

Về công tác khắc phục hậu quả và đảm bảo đời sống nhân dân, ông Hoa cho biết, đến ngày 30/9 đã có gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng hơn còn trên 3.000 người dân vẫn còn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Để hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân, TP đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố là 220,87 tỷ đồng.

CL

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ha-noi-truy-tim-chu-dau-tu-trong-cay-nguyen-boc-bau-i746023/