Hà Nội yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Bài liên quan

Hà Nội ngày 30/4/1975 - Những ký ức không phai

Hà Nội yêu cầu tạm dừng karaoke, quán Bar, vũ trường, Game từ 0h00 ngày 30/4/2021

Hà Nội: Ca nhiễm COVID-19 mới tại Đông Anh lây từ bệnh nhân số 2999 ở Hà Nam

Thông báo khẩn: Tìm hành khách bay Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Sở Y tế Hà Nội tối 29/4, nam thanh niên ở Đông Anh trong số 4 F1 tại thành phố liên quan ca 2899 Hà Nam. Người này làm nghề lái xe tải tự do, quê thôn Thọ Lão, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nơi ở hiện tại là Hà Nội. Anh tiếp xúc gần với "bệnh nhân 2899" khi đi ăn liên hoan cùng từ 20h đến 22h ngày 22/4 tại quán ăn ở thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân.

Anh được lấy mẫu xét nghiệm ngày 29/4, kết quả dương tính cùng ngày do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thực hiện. Anh không có triệu chứng, đã được chuyển từ Bệnh viện công an thành phố Hà Nội đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Trung tâm Y tế huyện Đông Anh bước đầu xác định 10 F1, trong đó 9 trường hợp tại huyện Đông Anh và một trường hợp tại huyện Mê Linh.

Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận ca nghi mắc COVID-19 đầu tiên sau 73 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đêm 29/4, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại Công điện Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, những trường hợp không tuân thủ việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, quán Bar, vũ trường, Game từ 0h00 ngày 30/4/2021...

Trước đó, kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng tại phiên họp của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội vào ngày 29/4 đã nêu rõ, nhận định của các chuyên gia cho thấy nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn luôn hiện hữu và hoàn toàn có thể quay trở lại, bùng phát ra cộng đồng.

Nguyên nhân là do người nhập cảnh trái phép qua các cửa khẩu vùng biên giới, đường mòn, lối mở; các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để công tác, làm việc và các trường hợp là công dân Việt Nam trở về từ các nước có dịch bệnh; một số người dân chủ quan lơ là không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế (như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn…

Đồng thời, Hà Nội là địa phương dân số đông, trung tâm giao thương lớn của cả nước. Sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 người dân trở lại Thành phố để làm việc và học tập có nguy cơ tiềm ẩn mang dịch bệnh.

Sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 phải khai báo y tế đầy đủ

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị cần siết chặt công tác phòng chống dịch bệnh; nâng mức độ cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội lên mức cao nhất.

Đẩy mạnh hơn nữa và thực hiện triệt để thông điệp “5K” của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại văn bản số 112-CV/TU ngày 27/4/2021 trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay tại các nơi công cộng, khu vực tập trung đông người như: trường học, bệnh viện, cơ quan, trụ sở, nhà máy, bến tầu, nhà ga, sân bay, khu vực di tích, chợ, siêu thị…

Tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản số 112-CV/TU ngày 27/4/2021 của Thành ủy Hà Nội: Tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn Thành phố; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức hội nghị, sự kiện cần có hình thức phù hợp và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.

Các lực lượng chức năng các địa phương tăng cường kiểm tra xử phạt các tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc thực hiện không nghiêm túc công tác phòng chống dịch.

Các đơn vị đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc khai báo an toàn COVID, 100% các địa điểm phải đăng ký an toàn COVID trên cổng thông tin điện tử và trang điện tử an toàn COVID, đặc biệt các địa điểm như: trường học, bệnh viện, sân bay, phương tiện giao thông công cộng.

Quản lý chặt các khu cách ly y tế tập trung trong và ngoài quân đội, các cơ sở cách ly có thu phí, tuyệt đối không được để lây chéo trong các khu cách ly và lây từ các khu cách ly ra cộng đồng.

Yêu cầu mọi người dân đến/trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 phải khai báo y tế đầy đủ.

Phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong việc rà soát quản lý chặt di biến động của người dân Hà Nội sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 nhằm phát hiện, khoanh vùng, xử trí sớm ca bệnh dương tính...

Không đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 nơi công cộng bị phạt thế nào?

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, thuộc nhóm A theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Việc không đeo khẩu trang nơi công cộng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là rất nguy hiểm, có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bởi vậy các địa phương có thể căn cứ vào quy định tại Nghị định 117 để tiến hành xử phạt hành chính đối với những trường hợp không đeo khẩu trang.

Căn cứ để cơ quan chức năng xử phạt có thể làm việc kiểm tra phát hiện trực tiếp; hoặc "phạt nguội" qua thông tin hình ảnh trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hoặc do quần chúng nhân dân cung cấp.

Việc xử lý vi phạm hành chính dựa trên các chứng cứ là hình ảnh thì cần phải thận trọng xác minh làm rõ hình ảnh đó được ghi, được chụp ở thời điểm nào. Bởi việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài và mỗi địa phương, mỗi thời điểm lại có những quy định khác nhau.

Tại thời điểm mà địa phương quy định bắt buộc phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân trong đó có đeo khẩu trang nơi công cộng mà cá nhân không chấp hành thì lúc đó mới có cơ sở để xử phạt.

Việc xử lý phải hướng đến mục đích là đảm bảo an toàn cho cộng đồng, là một hoạt động tuyên truyền, giáo dục tránh trường hợp xử lý thiếu căn cứ, dẫn đến khiếu kiện, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Nghị định 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch từ ngày 15/11/2020.

Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-yeu-caubat-buoc-nguoi-dan-phai-deo-khau-trang-khi-di-ra-ngoai-post130689.html