Hà Quảng thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Hà Quảng đẩy mạnh công tác dân vận, làm cho người dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Xã Lương Can có 6 dân tộc cùng sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trên địa bàn; thường xuyên vận động nhân dân tham gia sản xuất, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình. Phó Chủ tịch UBND xã Lương Can Nguyễn Thu Trang cho biết: Với phương châm “dân vận hướng về cơ sở” góp phần làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn xã. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch và phát triển rõ rệt, các mô hình phát triển KT - XH phát triển theo hướng hàng hóa, như: mô hình cây thuốc lá 62 ha, năng suất đạt 26,8 tạ/ha, mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản 91 con, mô hình bò cái sinh sản 64 con, mô hình chăn nuôi trâu sinh sản 30 con, mô hình bưởi da xanh 6 ha… Qua đó, nhiều nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã bình quân giảm trên 6%/năm, đến năm 2024 cả xã còn 31,89% hộ nghèo.

Công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS của huyện còn phát huy hiệu quả từ các mô hình khác như: vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh Tổ quốc… Những kết quả trong công tác dân vận nói chung là nền tảng, “đòn bẩy” góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH tại địa phương.

Người dân xã Trường Hà (Hà Quảng) tập trung phát triển kinh tế gia đình từ mô hình phát triển chăn nuôi.

Người dân xã Trường Hà (Hà Quảng) tập trung phát triển kinh tế gia đình từ mô hình phát triển chăn nuôi.

Hiện nay, toàn huyện thành lập 175/195 đội văn nghệ xóm, tổ dân phố, 100% xã, thị trấn thành lập đội văn nghệ quần chúng, cấp huyện thành 1 đội văn nghệ chủ chốt. Hằng năm, định kỳ huyện tổ chức các hoạt động văn hóa thông qua lễ hội, thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, các dịp lễ hội… Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với nhiệm vụ thực hiện Dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Từ năm 2021 đến nay, huyện hỗ trợ xây dựng 2 nhà văn hóa, 15 đội văn nghệ tại các xóm vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ đầu tư theo từng giai đoạn tại 3 điểm du lịch trên địa bàn xã Trường Hà, Ngọc Động, Thanh Long; tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch; tổ chức 2 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, xây dựng 2 mô hình hát Then - đàn tính; triển khai các nội dung quảng bá, giới thiệu tiềm năng và các giá trị văn hóa tiêu biểu trên địa bàn đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Quảng Nông Thị Hồng Liên, việc kết hợp, thực hiện lồng ghép các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với các dự án văn hóa, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các DTTS trong thời gian qua góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn trong thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng DTTS. Năm 2023, toàn huyện có 88,32% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 78,46% xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, gần 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Về công tác dân vận nói chung, công tác dân tộc, dân vận trong đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn huyện, đồng chí Nông Văn Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hà Quảng cho rằng, Ban Dân vận Huyện ủy xây dựng các chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận với các cơ quan, ban, ngành của huyện, từ đó tích cực triển khai thực hiện công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương. Qua đó, làm thay đổi tư duy, tập quán lạc hậu của nhân dân, chuyển đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 26,5 triệu đồng/người/năm, tăng 6,7 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37,92% xuống còn 33,21%; bình quân số tiêu chí nông thôn mới toàn huyện đạt 11,3 tiêu chí/xã. Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được gìn giữ và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần củng cố thêm niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ha-quang-thuc-hien-tot-cong-tac-dan-van-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3173296.html