Hạ tầng giao thông Đà Nẵng đang phát sinh bất cập

Không gian đô thị, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng trở nên chật chội, như một chiếc áo quá nhỏ, được khoác lên một thân hình vạm vỡ.

Đà Nẵng được biết đến là địa phương phát triển mạnh về hoạt động du lịch. Thực tế cho thấy, doanh thu từ hoạt động du lịch có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố biển này. Trong 10 năm, từ năm 2009 đến 2018, nếu như doanh thu chung của cả ngành du lịch Việt Nam tăng 10,3 lần, thì với Đà Nẵng, con số này là hơn 15 lần. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng là 7.173.539 lượt, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế khoảng 2.811.763 lượt, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2018. Tổng thu du lịch khoảng 25.311 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 92,4% kế hoạch.

Đà Nẵng cần có giải phát tổng thể về phát triển giao thông trong dài hạn

Đà Nẵng cần có giải phát tổng thể về phát triển giao thông trong dài hạn

Tuy nhiên, chính sự phát triển như vũ bão đó, cùng với việc tăng dân số cơ học đã kéo theo những bất cập cho Đà Nẵng. Trong đó, vấn đề dễ nhìn thấy nhất là hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển của các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện giao thông tham gia phục vụ ngành du lịch và phương tiện giao thông cá nhân.

Theo các chuyên gia, trước những yêu cầu mới trong việc phát triển thành phố, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm. Bởi thực tế hiện nay, tại Đà Nẵng có nhiều khu vực được phân lô, tạo nên nhiều nút giao thông với mật độ lớn và khoảng cách gần, vừa giảm khả năng thông hành, vừa dễ gây xung đột, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn. Cùng đó, việc có quá nhiều nhà cao tầng trong nội thị cũng gây ra nhiều áp lực trong đời sống và giao thông. Trong khi đó, đường giao thông lại khó nâng cấp mở rộng, nên ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến đường là điều khó tránh khỏi.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng phương tiện giao thông của Đà Nẵng tăng lên đáng kể. Số lượng ô tô cá nhân tăng rất nhanh. Trong năm 2017, số lượng xe đăng ký mới 8.039 chiếc, đến năm 2018 tăng lên 11.982 chiếc. Với tốc độ này, dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng có trên 110.000 ô-tô và trên 1 triệu mô tô, xe máy.

Những yếu tố trên khiến không gian đô thị, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng trở nên chật chội, như một chiếc áo quá nhỏ, được khoác lên một thân hình vạm vỡ. Đây chính là vấn đề mà chính quyền Đà Nẵng đã và đang tìm kiếm giải pháp khắc phục sớm nhất.

Trước thực trạng đó, ngành Giao thông Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành, triển khai một số đề án, kế hoạch liên quan đến vận tải công cộng. Thời gian qua, Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu việc triển khai các tuyến xe buýt trợ giá, mục tiêu đến năm 2020 đạt 21 tuyến. Trong đó, có 15 tuyến trợ giá, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Đồng thời, ngành Giao thông cũng tham mưu UBND TP. Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông đến năm 2020. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai các giải pháp trọng tâm như xây dựng, cải tạo một số nút giao thông trọng điểm như nút phía tây cầu Trần Thị Lý, phía tây cầu Rồng, phía tây cầu Tiên Sơn… Cùng với đó, triển khai quyết liệt các giải pháp về tổ chức giao thông như đường một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; cấm đỗ xe theo giờ; cải tạo các nút giao thông, xây dựng vịnh đỗ xe; phân luồng, tổ chức giao thông; thu phí đỗ xe trên các tuyến đường…

Hiện ngành Giao thông Đà Nẵng đang xây dựng chuyên đề về giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm thành phố, đề xuất hạn chế theo thời gian một số loại xe. Trong đó, mở rộng phạm vi, thời gian cấm lưu thông vào khu vực trung tâm các loại xe có kích thước lớn như xe khách, xe tải…

Cạnh đó, Sở Giao thông – Vận tải Đà Nẵng cũng phối hợp với các ngành, UBND các quận triển khai các vị trí bãi đỗ xe ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Đối với nhu cầu đậu, đỗ khu vực du lịch ven biển, Sở tham mưu UBND TP. Đà Nẵng và triển khai xây dựng bãi đỗ xe tạm tại 5 vị trí tại các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Các bãi đỗ xe này đã hoàn thành và bàn giao khai thác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của hạ tầng giao thông Đà Nẵng là cơ cấu quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm nhiều đến giao thông tĩnh, không gian cho vận tải công cộng, tỷ lệ đất giao thông thấp nên khó khăn trong việc cải tạo nâng cấp, mở rộng…

Điển hình như tại khu vực quy hoạch trung tâm thương mại dịch vụ, tập trung đông người, chưa bố trí đủ nơi đỗ xe dẫn đến tình trạng chiếm dụng một phần đường phục vụ cho mục đích phương tiện lưu thông sang mục đích đậu đỗ xe. Nhiều khu vực quy hoạch xây dựng nhà cao tầng, khu thương mại dịch vụ, chung cư, khách sạn, văn phòng cho thuê… dẫn đến tăng mật độ dân cư đông, gia tăng phương tiện giao thông…

Để giải quyết bài toán giao thông, các chuyên gia cho rằng, chính quyền thành phố cần bố trí đất cho không gian giao thông tĩnh. Đồng thời, ngay từ bây giờ phải rà soát, lập quy hoạch, có chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với tầm nhìn dài hạn để phù hợp với yêu cầu phát phát triển của thành phố trong tương lai. Nếu không khó tránh khỏi việc ùn tắc giao thông đô thị như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt.

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ha-tang-giao-thong-da-nang-dang-phat-sinh-bat-cap-94322.html