'Hạ thủ' cây rừng bằng thuốc độc để lấn chiếm đất làm rẫy
Thời gian gần đây, tại tỉnh Bình Định liên tục xảy ra nhiều vụ phá, lấn chiếm đất rừng. Đáng chú ý, nhiều đối tượng đã dùng các chiêu độc nhằm hạ thủ cây rừng để lấn chiếm đất làm rẫy.
Theo ghi nhận của phóng viên trong một ngày gần đây tại tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, hàng loạt cây keo lai gần 10 năm tuổi do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng, bỗng nhiên khô héo, chết bất thường. Trong đó, có nhiều cây bị chặt phá, chỉ còn trơ gốc; một số ít đang "chết đứng" giữa khu rừng, hiện trường chưa kịp dọn dẹp.
Cạnh đó không xa, tại khu vực trồng rừng thuộc tiểu khu 123 xã Vĩnh Sơn, do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý, cũng có nhiều cây keo đường kính từ khoảng 20-40 cm bị bóc lớp vỏ quanh thân, dài từ 10-20 cm, nhiều cây đang khô lá. Phía dưới rừng keo này, người dân đã trồng mì. Trong khu vực rừng tự nhiên giáp ranh rừng trồng cũng có rất nhiều cây rừng hàng chục năm tuổi chết khô. Điểm chung của các cây này là tình trạng bị gọt vỏ hoặc đục một lỗ trên thân cây.
Giải thích về những "vết tích lạ" trên các thân cây keo đã chết, ông Đặng Bá Thắng - Phó trưởng Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn - cho biết đó là cách các đối tượng dùng để đầu độc cây chết nhằm lấn chiếm đất rừng làm rẫy.
"Để làm chết cây rừng, lâu nay các đối tượng thường dùng vật sắt như dao, rựa… gọt vỏ xung quanh thân cây, khoảng 1-2 năm sau thì cây sẽ chết. Gần đây, các đối tượng lại dùng cách thức mới khiến cây rừng chết nhanh hơn là khoan lỗ nhỏ dưới gốc cây rồi bơm thuốc diệt cỏ vào. Mỗi lần họ chỉ phá từ 3-5 cây, lại làm vào buổi trưa hoặc ban đêm nên rất khó phát hiện" - ông Thắng lý giải.
Theo ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, tiểu khu 123, 124, xã Vĩnh Sơn là 2 trong 6 tiểu khu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được công ty tiến hành trồng các loại cây keo lai, sao đen trên diện tích đất trống, đất nương rẫy cũ bỏ hoang để phục hồi rừng theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, sau khi cây trồng trên diện tích rừng này phát triển, từ năm 2020, người dân sinh sống gần đó đã đầu độc cho chết để trồng xen cây mì vào. Đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng trồng phục hồi ở khu vực nói trên bị phá, lấn chiếm khoảng 9,16 ha.
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, vì các đối tượng có hành vi phá, lấn chiếm rừng ở địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. "Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra việc canh tác, sản xuất của người dân để kịp thời ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi lấn chiếm đất rừng, phá hoại cây rừng. Đồng thời giải quyết bài toán sinh kế cho người dân ổn định thông qua hình thức hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng để người dân có trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ rừng" - ông Thông cho hay.
Liên quan đến vụ việc 11,16 ha rừng ở huyện Vĩnh Thạnh vừa bị phá, lấn chiếm, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - cho biết đã yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thu hồi đất lấn chiếm, quản lý, sử dụng theo quy định. "Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn mà không phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời" - ông Thanh nhấn mạnh.