Hà Tĩnh: Mưa lớn gây sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở, ngập lụt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khiến giao thông tê liệt và hàng loạt trường học phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tại huyện Hương Sơn, 17 trường học với tổng cộng 5.643 học sinh đã phải tạm nghỉ (bao gồm 8 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 4 trường THCS). Tình trạng ngập lụt cũng cô lập 2 thôn tại xã An Hòa Thịnh (An Thịnh và Tiến Thịnh) ảnh hưởng tới hơn 200 hộ dân. Cầu Phố Giang tại thị trấn Phố Châu bị ngập, gây khó khăn cho việc đi lại.

Xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn bị ngập sâu.

Xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn bị ngập sâu.

Tại huyện Đức Thọ, một số tuyến đường liên thôn, ngõ xóm như thôn Tiên Phong, Trung Thành (xã Quang Vĩnh) và nhiều thôn tại các xã Bùi La Nhân, Tùng Châu, Lâm Trung Thủy, Tùng Ảnh, Yên Hồ đều chìm trong nước. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới 6 trường học và 1.227 học sinh, buộc phải nghỉ học. Trong số đó, có 30 hộ dân tại các xã Quang Vĩnh, Bùi La Nhân và thị trấn Đức Thọ bị nước tràn vào nhà. Đặc biệt, 17 hộ dân tại xóm Bãi Dinh (xã Quang Vĩnh) đã bị cô lập hoàn toàn.

Tại huyện Nghi Xuân, ngập lụt cục bộ đã diễn ra trên nhiều tuyến đường liên xã tại các xã Xuân Mỹ, Xuân Lam, Xuân Giang. Tại đây, đồng ruộng bị ngập sâu và 17 điểm trường bị ngập từ 20-40 cm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động học tập.Tại “ốc đảo” thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân) bị ngập lụt, chia cắt mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao khiến nhiều khu vực nhà dân, tuyến đường giao thông bị ngập lụt, chia cắt.

Huyện Nghi Xuân tạm thời hỗ trợ 50 hộ dân bị ngập lụt nặng tại thôn Hồng Lam, bao gồm nước uống và mỳ tôm.

Huyện Nghi Xuân tạm thời hỗ trợ 50 hộ dân bị ngập lụt nặng tại thôn Hồng Lam, bao gồm nước uống và mỳ tôm.

Tại huyện Vũ Quang, tình trạng ngập lụt cục bộ cũng xuất hiện tại hơn 20 điểm trên các tuyến đường nông thôn tại các xã Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên và Đức Lĩnh.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 23/9, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại Km 81+750 trên Quốc lộ 8A do mưa lớn kéo dài. Khoảng 500m³ đất đá, cùng nhiều cây cối từ núi cao đã đổ xuống, chắn ngang đường và khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn.Tại thời điểm xảy ra sự cố, khu vực đường dẫn lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang có mưa lớn kèm sương mù dày đặc, làm tăng nguy cơ sạt lở. Hiện tại, đất đai trong khu vực đã bão hòa độ ẩm, nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Các lực lượng chức năng huy động máy móc dời dọn đất đá, cây cối bị sạt lở trên tuyến Quốc lộ 8A.

Các lực lượng chức năng huy động máy móc dời dọn đất đá, cây cối bị sạt lở trên tuyến Quốc lộ 8A.

Ngay sau sự cố, lực lượng quản lý đường bộ Sơn Kim (Ban Quản lý đường bộ II) đã nhanh chóng đặt biển cảnh báo, lập rào chắn và cắt cử lực lượng ngăn cấm người, phương tiện qua lại. Đồng thời, họ phối hợp với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương để huy động phương tiện, lực lượng khẩn trương dọn dẹp đất đá.

Trước tình hình thời tiến diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các địa phươngtập trung triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo.Chủ động nắm tình hình mực nước trên sông, thông báo kịp thời tình hình lũ đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai các phương án ứng phó với lũ, ngập lụt, chủ động phương án sơ tán dân tại các vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.Căn cứ diễn biến thiên tai trên ngập lụt trên địa bàn, có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm, tràn qua sông, suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn.Triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

Tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ để triển khai các biện pháp chống lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh (qua văn phòng thường trực), Sở NN và PTNT để theo dõi chỉ đạo.

Phan Quý

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-tinh-mua-lon-gay-sat-lo-ngap-lut-tren-dien-rong-nhieu-truong-phai-nghi-hoc-93512.html