Hà Tĩnh: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở dưới chân núi

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ) và xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) sinh sống ven chân núi luôn thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất đá, nhất là đang vào mùa mưa lũ.

Ông Phan Ngọc Thành (thôn Hà Cát, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) lo lắng sạt lở núi ngay sau nhà

Ông Phan Ngọc Thành (thôn Hà Cát, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) lo lắng sạt lở núi ngay sau nhà

Có mặt tại xã Đức Lạng, chúng tôi ghi nhận hàng chục hộ dân ở các thôn Hà Cát, Vĩnh Yên và Tân Quang đang sinh sống ven các dãy núi Rú Lành, Rú Bàu, Rú Nại, Khe Trót, Khe Lầy, Khe Khả… có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Nhiều khu vực trên núi cao, dốc đã có hiện tượng xói mòn, đất đá sạt trượt, chực chờ đổ ập bất cứ lúc nào. Nguy hiểm là nhiều hộ dân chỉ cách núi khoảng 3-5m.

Chị Trần Thị Hồng Xuân (ở thôn Hà Cát) cho biết, nhà nằm cách núi Rú Lành chỉ khoảng 3m nên luôn thấp thỏm mỗi mùa mưa đến. Trước đó, năm 2018 trên núi Rú Lành phía sau nhà chị Xuân đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm mét khối đất đá và cây cối tràn xuống vùi lấp tường nhà. Từ đó đến nay, cứ vào mùa mưa lũ là gia đình chị Xuân phải chủ động sơ tán đến nhà người thân cách đó khoảng 300m để trú tránh, đảm bảo an toàn.

Cùng tình cảnh, ngôi nhà cấp 4 của ông Phan Ngọc Thành (ở thôn Hà Cát) cách núi Rú Lành khoảng 4m. Hiện trên núi cao hàng chục mét phía sau nhà ông Thành đã có nhiều vị trí chực chờ sạt lở nguy hiểm nếu gặp mưa lớn. Ông Thành cho biết, gia đình ông sống ở đây nhiều năm và chứng kiến nhiều lần sạt lở núi, trong đó lần sạt lở nghiêm trọng nhất, vùi lấp, làm hư hỏng một phần ngôi nhà khoảng năm 2016. Theo ông Thành, trước đây, trên núi Rú Lành có nhiều cây rừng tự nhiên bảo vệ đất, ít khi xói mòn, sạt lở. Tuy nhiên, sau này, người dân chuyển sang trồng cây keo tràm và làm đường đi lên núi khiến xói mòn, sạt lở đất đá ngày càng nghiêm trọng, khó lường.

Ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, cho biết, hiện có khoảng 60 hộ dân ở các thôn Hà Cát, Vĩnh Yên, Tân Quang đang sinh sống ven chân núi có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở trong mùa mưa lũ. Địa phương đã xây dựng các phương án và kịch bản phòng chống bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn; sẵn sàng di dời và sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân đề cao cảnh giác, không được chủ quan với mọi tình huống có thể xảy ra. Về lâu dài, địa phương kiến nghị, đề xuất huyện và tỉnh xem xét lập quy hoạch đất tái định cư hoặc có chính sách lồng ghép, xen kẽ trên địa bàn để tạo điều kiện cho người dân di dời đến nơi ở đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống.

Tương tự, 19 hộ dân ở thôn 1 (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đang sinh sống ven chân núi Chùa thuộc dãy núi Hồng Lĩnh có nguy cơ cao ảnh hưởng sạt lở về mùa mưa lũ. Ông Đặng Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, cho biết, địa phương đã kiến nghị, đề xuất huyện báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng xem xét, đánh giá cụ thể mức độ nguy cơ sạt lở và phạm vi ảnh hưởng sạt lở núi đối với 19 hộ dân để có căn cứ triển khai các bước xử lý tiếp theo, giúp người dân ổn định cuộc sống. Thời gian qua đã có một số đoàn của tỉnh và trung ương về đây khảo sát, kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả đánh giá.

Ngày 13-8, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ban hành công văn về việc cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, đá trên địa bàn. Theo đó, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ sạt lở đất đá trên các đường Cỏ Ống, Bến Đầm và tại Tiểu khu rừng số 58 (Vườn quốc gia Côn Đảo), vùi lấp và làm gãy đổ diện tích rừng tương đối lớn. Dự báo thời tiết từ nay đến cuối năm, mưa lớn còn diễn ra trên diện rộng nên chính quyền huyện Côn Đảo lưu ý người dân quan sát kỹ khi tham gia giao thông trên các tuyến đường giáp sườn núi có nguy cơ sạt lở cao như: đường đi Bến Đầm, đi Cỏ Ống, đường Tây Bắc và Ma Thiên Lãnh.

PHÚ NGÂN

DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ha-tinh-thap-thom-noi-lo-sat-lo-duoi-chan-nui-post753960.html