Hà Tĩnh: Thủ tục đầu tư rườm rà hạn chế thu hút doanh nghiệp
Những năm qua, việc thu hút dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư, đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVII.
Theo ông Trần Tú Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn Hà Tĩnh ước tính chỉ đạt 0,1%. Nguyên nhân chính làm cho GRDP 6 tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng thấp chủ yếu là do ngành công nghiệp tăng thấp và khu vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh.
“Những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu là thép của Công ty Formosa (FHS) và bia Sài Gòn. Trong khi đó, GRDP của Công ty Fomosa 6 tháng đầu năm 2020 giảm 102 tỷ so với cùng kỳ 2019, trong khi 6 tháng 2019 tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng trở lại, ước tính tăng 14,04% so với tháng trước; một số dự án công nghiệp mới hoạt động trong năm 2020 sẽ góp phần nâng cao chỉ số tăng trưởng.
Đặc biệt, các vướng mắc, điểm nghẽn về đất đai đầu tư, giá trị M3 (giá trị nộp ngân sách tối thiểu của các dự án đầu tư có sử dụng đất) đang được tháo gỡ, một số dự án lớn như: Khu đô thị Hàm Nghi, Nam Cầu Phủ... đã lựa chọn nhà đầu tư; một số công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng đang được đẩy nhanh tiến độ…”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trả lời câu hỏi, một số dự án đầu tư công và xã hội hóa trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được đồng ý chủ trương nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện? Một số đã được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chậm triển khai? Ông Trần Tú Anh cho biết: Nhóm dự án đã được bố trí kế hoạch vốn có tiến độ triển khai và giải ngân chậm gồm 11 dự án với tổng số vốn 412,5 tỷ đồng được bổ sung vốn ngân sách Trung ương từ nguồn dự phòng và vốn điều chỉnh giảm các dự án quan trong quốc gia; 12 dự án sử dụng vốn nước ngoài với tổng số vốn 701,8 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 178,8 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mới giải ngân được 23,291 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tiến độ triển khai và giải ngân còn chậm như: Dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Kênh chính Linh Cảm thuộc hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang giai đoạn II...
Hiện tại, trong nhóm dự án đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai vẫn còn 23 dự án với tổng số vốn còn thiếu là trên 440 tỷ đồng và nhóm các dự án đã được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn có 40 dự án với tổng mức đầu tư 1.330 tỷ đồng chưa cân đối, huy động được nguồn để triển khai.
Lý giải nguyên nhân của vấn đề này là do nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn lớn, trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn chế; quy trình thủ tục thực hiện đầu tư rườm rà; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác như: Các địa phương vào cuộc chậm, vướng giải phóng mặt bằng…
Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp kêu gặp khó trong vấn đề tiếp cận các dự án. Đại biểu Đoàn Đình Anh (huyện Cẩm Xuyên) chất vấn: Tại sao nhiều dự án được các nhà đầu tư lựa chọn dù đã được quảng bá nhưng lại không thể thực hiện?
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho rằng: Do quá trình thực hiện dự án rất nhiều bước (13 bước). Tổng thời gian thực hiện đối với một dự án nếu làm căn cơ, bài bản phải mất 2 - 5 năm.
Về thời hạn để làm thủ tục cho một dự án đầu tư 2 - 5 năm là quá dài, Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn chất vấn: Phải chăng chậm hay nhanh là tùy thuộc vào chúng ta?
Cũng trong phiên chất vấn, có nhiều ý kiến liên quan đến việc tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu cũng như khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tăng trong thời gian qua?
Trả lời vấn đề này, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Do quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện qua 5 bước, mất rất nhiều thời gian. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tập trung cao trong việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá điều kiện của các khu vực mỏ trong quy hoạch khoáng sản”.
Các giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng và quản lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép: Tập trung hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, thông báo, xét chọn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức đấu giá 19 khu vực mỏ trong kế hoạch đấu giá đợt 1 vào cuối tháng 8/2020, đồng thời phối hợp với Sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai, rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá các mỏ đợt 2 (theo quy hoạch còn 13 mỏ).
Trước năm 2019, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn chủ yếu là cát xây dựng, đất san lấp xảy ra ở nhiều địa phương. Khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phức tạp trên các tuyến sông Ngàn Sâu (Vũ Quang); sông La (Đức Thọ); sông Ngàn Phố (Hương Sơn). Khai thác trái phép đất san lấp diễn ra chủ yếu trên địa bàn các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê.
Sở đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đấu tranh, phát hiện 123 vụ, 153 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, thu giữ hơn 862m3 đất, cát, xử phạt vi phạm hành chính trên 250 triệu đồng; tạm dừng 8 mỏ khai thác cát để khắc phục các lỗi vi phạm; xử phạt 32 triệu đồng đối với 8 đơn vị được cải tạo, tận thu đất, cát phục vụ xây dựng nông thôn mới nhưng có hành vi bán đất ra ngoài.