Hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ngân hàng có chịu thiệt?

Ngay sau động thái công bố xem xét lại mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Moody's công bố sẽ xem xét sẽ có động thái tương tự với 17 ngân hàng của Việt Nam.

Sau thông báo về việc xem xét hạ bậc tín nhiệm quốc gia (từ mức Ba3 hiện nay), Moody’s tiếp tục cho biết sẽ có động thái tương tự với 17 ngân hàng của Việt Nam, bao gồm ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienvietpostBank, MB, NamABank, OCB, SHB, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.

 Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhưng Moody's xem xét hạ bậc vì Việt Nam có dấu hiệu chậm trễ thanh toán các khoản vay quốc tế. Nguồn: Vietnamplus.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhưng Moody's xem xét hạ bậc vì Việt Nam có dấu hiệu chậm trễ thanh toán các khoản vay quốc tế. Nguồn: Vietnamplus.

Moody’s cho biết sức khỏe tài chính quốc gia là yếu tố quan trọng để xếp hạng các ngân hàng nội địa vì điều này ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ của Chính phủ với các nhà băng vào thời điểm khó khăn. Vì vậy, việc xem xét xếp hạng lần này không phản ánh sự suy yếu của các hồ sơ tài chính của các Ngân hàng.

Cũng cần lưu ý rằng đây mới chỉ là ý kiến xem xét chứ không phải là thông tin chính thức về việc hạ tín nhiệm của Moody’s. Việc đánh giá dự kiến hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.

Tuy nhiên, thông tin có thể hạ bậc tín nhiệm lại hoàn toàn không vui chút nào, khi đặt trong bối cảnh nhiều nhà băng đang có kế hoạch mở rộng thị trường gọi vốn trên thị trường quốc tế.

Hồi tháng 7 năm nay, VPBank công bố huy động thành công 300 triệu đô la thông qua phát hành trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có bảo đảm, kỳ hạn 3 năm và niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST). Đây là đợt huy động đầu tiền trong lộ trình gọi vốn đến 1 tỉ đô la trái phiếu quốc tế trong thời gian tới của Ngân hàng.

 VPBank "mở màn" huy động trái phiếu quốc tế trong năm nay. Nguồn: VPBank.

VPBank "mở màn" huy động trái phiếu quốc tế trong năm nay. Nguồn: VPBank.

Mới đây, SEABank xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 400 triệu đô trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Có thể thấy SEABank đang từng bước chuẩn bị cho thương vụ này, thông qua sự kiện Moody’s lần đầu tiên xếp hạng ngân hàng.

Theo đó, ngày 10-10 vừa qua, Moody’s công bố SeABank được xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1 ở các hạng mục khác nhau. Trước đó, nhà băng này cũng đã tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỉ đồng lên 9.369 tỉ đồng dưới hình thức chào bán cổ phiếu.

Nhìn rộng ra thị trường, có thể điểm danh hàng loạt nhà băng khác cũng đang lên kế hoạch huy động trái phiếu quốc tế, chẳng hạn như SHB lên kế hoạch phát hành 500 triệu đô, TPBank cũng muốn gọi thêm 200 triệu đô.

Đây có vẻ như là thời điểm mà các tổ chức tín dụng đang tăng cường gọi vốn quốc tế vì chi phí đang có xu hướng “dễ thở” hơn. Chẳng hạn như VPBank cho biết thương vụ gọi vốn 300 triệu đô vừa qua không chỉ ghi nhận giá trị lớn nhất, mà mức lãi suất danh nghĩa 6,25% cũng là mức thấp nhất từ đạt được từ trước đến nay được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân.

Tất nhiên con số lãi suất phải trả cuối cùng sẽ cần cộng thêm các khoản chi phí khác nhau, nhưng cũng cần nhớ lại thương vụ Vietinbank phát hành 250 triệu USD vào năm 2012, khi đó lãi suất danh nghĩa lên đến 8%, và Việt Nam ở giai đoạn đó còn đang “chìm ngập” trong những vấn đề chung của nền kinh tế như nợ xấu hay sở hữu chéo ngân hàng. Khi thị trường vốn trong nước gặp khó khăn, nhiều ngân hàng trong giai đoạn này cũng lên kế hoạch gọi phát hành trái phiếu quốc tế nhưng rồi cũng bỏ cuộc.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay thì lại khác, không chỉ huy động vốn quốc tế mà các nhà băng cũng tăng cường phát hành trái phiếu nội địa. Thống kê của Công ty chứng khoán SSI mới đây cho biết trong 9 tháng đầu năm, các nhà băng đã huy động thêm 75.936 tỉ đồng dưới hình thức phát hành trái phiếu, đa dạng kỳ hạn dài lẫn ngắn.

Tháng 9 vừa qua cũng là tháng phát hành nhiều nhất của các Ngân hàng tính từ đầu năm đến nay. Theo đó, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu ngân hàng trong tháng 8 và tháng 9 là 7.1% và 7.0%, cao hơn so với các tháng trước đó chủ yếu là do các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn.

Theo các chuyên gia, có 2 lý do quan trọng mà các nhà băng phải gọi thêm vốn từ trái phiếu, đầu tiền là để đáp ứng nhu cầu cho tăng trưởng tín dụng của mình (nguồn vốn kinh doanh), hoặc huy động kỳ hạn dài hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động mới theo Basel II.

Nhìn chung, hàng tỉ đô la sẽ được huy động từ thị trường quốc tế trong thời gian tới. Do đó, việc xem xét xếp hạng tín nhiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến chi phí vốn không chỉ với các tổ chức tín dụng, mà là cả nền kinh tế.

Có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao mà ngay sau thông báo này, Bộ Tài chính đã đưa ra thông cáo khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.

Trong thông cáo của mình, Moody’s cũng đánh giá Việt Nam có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ vì có mức dự trữ ngoại hối lớn, nhu cầu huy động vốn còn ở mức khiêm tốn. Việt Nam hiện còn được hỗ trợ bởi tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Vì thế, Moody’s dự đoán tỉ lệ nợ công vẫn ở mức dưới 50% so với GDP và sẽ không có “cú sốc” nào lớn và đột ngột về kinh tế lẫn nợ công.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295239/ha-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-ngan-hang-co-chiu-thiet.html