Hai 'át chủ bài' sẽ giúp xuất khẩu nông sản lập kỷ lục

Gạo và rau quả đang là 2 mặt hàng chủ lực tiếp tục giúp xuất khẩu nông sản thu thêm nhiều ngoại tệ trong năm nay. Liệu rằng phía sau những tin mừng về thị trường, 2 ngành này có rủi ro nào phải đối mặt?

Báo cáo từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Dự báo xuất khẩu khởi sắc

Trong khi với xu hướng tăng trưởng thời gian qua, dự kiến hết năm 2024 tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu ha (tăng khoảng 20 nghìn ha). Tuy vậy, một trong những khó khăn là liên kết sản xuất, tiêu thụ còn thiếu và yếu nên chưa nâng cao được giá trị nông sản và dễ dẫn đến nguy cơ được mùa, rớt giá...

Xuất khẩu sầu riêng là một trong những mặt hàng đang tạo kỳ tích về giá trị thu về.

Xuất khẩu sầu riêng là một trong những mặt hàng đang tạo kỳ tích về giá trị thu về.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá.

Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ (đối với ngành gạo, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia chiếm 70,69% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng).

Đối với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 tiếp tục khởi sắc khi nhiều thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu.

Với ngành rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2024 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng, đặc biệt một số loại trái cây như sầu riêng đã bước vào vụ thu hoạch chính, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa cho thị trường Trung Quốc.

Ông Bình thông tin, hiện tại giá sầu riêng tại Trung Quốc và trong nước đang giảm đáng kể do thu hoạch sầu riêng bắt đầu vào chính vụ tại Thái Lan và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Giá sầu riêng Dona (Mongthoong) đang ở mức 85.000 - 95.000 đồng/kg và Ri6 là 65.000 - 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 1/2 so với giá tháng 12/2023 là 150.000 - 180.000 đồng/kg.

“Nhu cầu sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm”, ông Bình lưu ý.

Ngăn chặn ‘tranh mua tranh bán’ làm rối loạn thị trường

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.

Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu; một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; thương mại nông sản chưa quan tâm đúng mức tới thị trường trong nước…

Đồng thời, hoạt động thương mại gạo và rau quả trong thời gian tới sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng bất ổn an ninh chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ… tạo áp lực lớn lên thị trường thương mại hàng hóa; yêu cầu về quy chuẩn, chất lượng sản phẩm ngày càng gia tăng…

Đánh giá tình hình thị trường gạo, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng cần theo dõi việc Ấn Độ xem xét gỡ bỏ cấm xuất khẩu gạo trắng hay không. Hiện, giá gạo trong nước của Ấn Độ tăng dẫn đến Chính phủ Ấn Độ vẫn đang xem xét.

Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng rau quả. Các cơ quan chức năng cùng cơ quan chuyên ngành của địa phương cần giám sát việc thực hiện các quy trình trong quá trình sản xuất từ việc sử dụng vật tư đầu vào, trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch (theo dõi, giám sát thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch của các mã số vùng trồng) để đảm bảo đủ chất lượng, an toàn và dễ dàng, thuận tiện cho công tác truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, cơ quan chức năng phối hợp với địa phương cần kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh mua bán tại địa phương từ vật tư đầu vào đến các sản phẩm thu hoạch, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực. “Quản lý chặt chẽ, sát sao đội ngũ cò lái ngăn chặn việc "tranh mua tranh bán", đẩy giá làm rối loạn thị trường. Không để tình trạng các đối tượng là người nước ngoài núp bóng người Việt, doanh nghiệp Việt trực tiếp kinh doanh, lũng đoạn thị trường tại các vùng sản xuất, các đầu mối, các trung tâm buôn bán nông sản”, ông Bình đề xuất.

Ngoài ra, kiểm tra giám sát việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đúng và hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hai-at-chu-bai-se-giup-xuat-khau-nong-san-lap-ky-luc-1100054.html