Hai bộ trưởng giải trình về an ninh nguồn nước
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với cả hai vấn đề thừa nước và thiếu nước. Còn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định nước không phải tài nguyên vô hạn.
Sáng 17/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cùng tham gia báo cáo, giải trình và trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến vấn đề trên.
Tài nguyên nước không phải vô hạn
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề, một là thừa nước gây ra lũ lụt, xói mòn, hai là thiếu nước do khô hạn và xâm nhập mặn.
Vì thế, chúng ta cần chuyển đổi nền kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, nhiều đại biểu chất vấn trực tiếp các bộ trưởng về tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đặt vấn đề về việc "Đồng bằng sông Cửu Long bốn bề sông nước, nhưng luôn phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn”. Theo bà, một trong các lý do là thiếu công trình dự trữ nước ngọt lớn, liên vùng.
Nói rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh giải pháp phải xoay trục sản xuất để phát triển bền vững. "Nếu như trước đây Đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa là chính, sau đó mới đến thủy sản, trái cây, chủ yếu dựa vào nước ngọt, thì tới đây cần xoay trục lại, tập trung sản xuất thủy sản, trái cây và lúa", ông Cường nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định nước không phải là tài nguyên dồi dào, vô hạn như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy Trái Đất chứa lượng nước rất lớn nhưng 97% là nước mặn, chỉ có 3% còn lại là nước ngọt.
Hiện, khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước. Dự báo đến năm 2025, con số này tăng lên 2/3 cùng khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Việt Nam có hệ thống sông, suối dày đặc, song chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông, khiến các hồ và kênh mương ở khu vực đô thị trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.
"Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực sông, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất", Bộ trưởng Cường nêu thực tế.
Theo ông, để đảm bảo an ninh nguồn nước, chúng ta phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, đầu tư đúng và đủ, phối hợp liên vùng và liên quốc gia… mới có thể khắc phục được thách thức đang đặt ra.
8 thách thức về an ninh nguồn nước
Trước đó, báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát về vấn đề an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ đập, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà nêu 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Thứ nhất, vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng từ hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, quản trị hạn chế; chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và cả do chưa sử dụng tiết kiệm.
Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng thiên tai, gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.
Thứ ba, vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước.
Thứ tư, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên, có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71%, lại ở khu vực đầu nguồn.
Vì vậy, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa.
Thứ năm, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thứ sáu, vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng.
Thứ bảy, vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy. Hiện, chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông.
Thứ tám, hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-bo-truong-giai-trinh-ve-an-ninh-nguon-nuoc-post1120749.html