Hai căn bệnh nguy kiểm liên quan đến cá tính khác biệt của trẻ nhỏ

Có hai bệnh lý liên quan đến thần kinh và tâm thần thường gặp ở trẻ nhỏ là tự kỷ và rối loạn tăng động giảm sự chú ý.

Nguyên nhân của cả hai bệnh này hiện vẫn còn nằm sau những bức màn bí mật. Một số biểu hiện như kém chú ý, hành động bất thường gây ra sự nhầm lẫn giữa hai bệnh này làm cho thái độ nhận thức và hành xử thiếu chuẩn xác, phát sinh những hệ lụy khó lường.

Tự kỷ và những vấn đề liên quan

Tự kỷ (autism) là bệnh của trẻ em. Tỉ lệ mắc khoảng 12/10.000 (trong 10.000 trẻ có 12 trẻ mắc bệnh tự kỷ). Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ trẻ nam mắc nhiều gấp 3 lần trẻ gái.

Khi số con trong gia đình ngày càng ít, các bậc cha mẹ có điều kiện để quan tâm đến con mình nhiều hơn. Trong thực tế có nhiều bà mẹ đã phải tạm thời gác lại công ăn việc làm để theo sát con mình như một người bạn nhỏ, cùng học cùng chơi, chỉ vì phát hiện ra con có những dấu hiệu bất thường mà các nhà chuyên môn xác định là mắc bệnh tự kỷ.

Các biểu hiện của bệnh thượng lộ ra trước tuổi lên 3 và ngày càng trở nên rõ rệt, nghiêm trọng nếu như không được quan tâm chữa trị kịp thời. Đây là một dạng bệnh tâm thần kinh do sự rối loạn phát triển của hệ thần kinh gây ra.

Những biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần biến đứa trẻ thành “kẻ lạc loài” ngay trong chính gia đình của mình và môi trường xung quanh.

Hệ thống thần kinh và não bộ của trẻ tự kỷ chậm phát triển so với trẻ cùng trang lứa. Do đó, trí tưởng tượng và sự tư duy trừu tượng của chúng gần như không phát triển. Chúng không có khả năng thực hiện được những gì cần một chút trí tưởng tượng, không hiểu được các ký hiệu quy định vì sao là như thế.

Tựa như một kẻ trên trời rơi xuống, trẻ mắc bệnh tự kỷ không sử dụng được ngôn ngữ giao tiếp trong sinh hoạt cộng đồng, không có khả năng hoặc khả năng liên hệ qua lại trong xã hội rất kém. Vì vậy trẻ luôn rơi vào trạng thái cô độc.

Theo thời gian, thể lực của trẻ vẫn phát triển, nhưng không đi đôi với sự phát triển tinh thần. Trẻ khó chơi chung với những trẻ khác và khó hòa nhập với cộng đồng. Trẻ tự kỷ cũng khó thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh, thường chỉ ăn món ăn cố định. Đặc biệt phản ứng dữ dội trước sự phật ý hoặc thay đổi nào đó qua biểu hiện cào cấu, la hét một cách bất thường.

Trẻ tự kỷ là một trẻ cá biệt. Nhìn chung, chậm phát triển về mặt tinh thần. Tuy nhiên, cũng có những trẻ thần kinh não bộ tập trung sự phát triển vào những vùng đặc biệt nên vẫn có thể trở thành những con người tài năng trong lĩnh vực tin học, hội họa, âm nhạc, toán học…

Các dấu hiệu: Bệnh tự kỷ ở trẻ thể hiện ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ban đầu có thể là một trẻ rất bình thường nhưng dần đi vào… tự kỷ! Sau đây là các biểu hiện nghi ngờ trẻ mắc tự kỷ cần tham vấn các nhà chuyên môn:

- Không chịu nói, không ra hiệu, vẫy tay, mắt kém chú ý vào người hoặc đồ vật xung quanh mặc dù đã đến tuổi thôi nôi.

- Không nói được từ nào rõ nghĩa mặc dù đã 15 - 16 tháng tuổi.

- Không thể ra yêu cầu hoặc trả lời thành câu mặc dù đã hơn 2 tuổi. Khi không đồng ý điều gì thì có biểu hiện giận dữ, giẫy nảy, khóc thét, đập tay chân, đập đầu xuống nền nhà, vào tường. Trẻ thường ưa sự ổn định vốn có và phản đối quyết liệt những thay đổi.

- Ở mọi độ tuổi: Không có hoặc rất kém khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và phản hồi. Không thích kết bạn chơi chung với trẻ khác, không nhìn hoặc chú ý vào ai, không quay mặt khi nghe gọi tên, không thích người khác chạm vào, không bị lôi cuốn vào sự việc đang diễn ra xung quanh hoặc chỉ theo dõi một hoạt động nào đó mang tính đơn điệu, nhàm chán nhưng tỏ ra hứng thú như nhìn một chiếc quạt đang quay!

Riêng về sự chậm nói của trẻ tự kỷ cần phân biệt với trẻ chậm nói đơn thuần, nghĩa là không mắc bệnh tự kỷ. Ở trẻ chậm nói đơn thuần tuy không nói được hoặc nói “chưa ra hồn”, nhưng vẫn có khả năng tập trung và nghe hiểu được những gì người khác nói, hội nhập tốt với xã hội chung quanh.

Điều này khác với trẻ chậm nói tự kỷ là trẻ không có sự tập trung và gần như thực hiện chủ trương “3 không” là: Không nghe - Không thấy - Không biết những gì đang diễn ra xung quanh. Tất cả mọi hoạt động của trẻ tự kỷ đều cho ta cảm giác là tạo hóa đã lập trình riêng cho chúng.

Để phát hiện sớm bệnh tự kỷ, nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ (NIMH) khuyến cáo các bậc cha mẹ lưu ý đến các hoạt động về mắt của trẻ, vì đây là dấu hiệu sớm nhất báo hiệu trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.

Thông thường, trẻ được sinh ra vài ngày đầu đã biết cách dùng mắt “giao tiếp” với môi trường và những người xung quanh. Khả năng dùng mắt để làm ngôn ngữ giao tiếp của trẻ sơ sinh nhanh chóng phát triển vài tháng tiếp theo đó.

Ở trẻ mắc tự kỷ, khả năng dùng mắt phát triển chậm hoặc phát triển được một thời gian rồi “lụi” dần. Chuyên gia bệnh tự kỷ là Tiến sĩ Thomas R. Insel - Giám đốc NIMH cho biết: “Càng xác định được sớm những dấu hiệu ban đầu của bệnh tự kỷ thì việc can thiệp điều trị sẽ càng hiệu quả”.

Phát hiện sớm trẻ tự kỷ càng sớm thì hiệu quả việc ngăn chặn bệnh tiến triển càng cao và khả năng huấn luyện trẻ các kiến thức về ngôn ngữ, ký hiệu, quan hệ xã hội để hội nhập với cộng đồng càng lớn.

Tuy nhiên, phần lớn trẻ mắc bệnh tự kỷ đều được phát hiện muộn sau tuổi lên 2, giai đoạn mà các biểu hiện của bệnh được bộc lộ rõ ràng hơn. Những biểu hiện bất thường của trẻ trước đó, phần lớn cha mẹ và người thân cho là… bình thường, vì đó là tính cách riêng của trẻ!

Nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho rằng, sự rối loạn phát triển tâm thần kinh ở trẻ tự kỷ bắt nguồn từ những rối loạn trong cơ thể trẻ như sự rối loạn sinh hóa, mắc một số chứng bệnh nào đó, mẹ bị nhiễm khuẩn lúc mang thai hoặc do sự dị dạng của các nhiễm sắc thể, khiếm khuyết về gien, miễn dịch…

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý khói xe hơi có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ. Yếu tố này được xem như là một loại nguy cơ cao.

Do những rối loạn về sự phát triển thần kinh, nên hiện chưa có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh tự kỷ. Việc điều trị hướng vào những cải thiện về mặt tâm lý cho trẻ hơn là sử dụng thuốc. Các biện pháp thực hiện nhằm kéo trẻ lại với cộng đồng và hội nhập với những trẻ khác dễ dàng hơn. Càng tách rời xã hội thì mức độ tự kỷ của trẻ càng thêm trầm trọng.

Đội ngũ chăm sóc và huấn luyện trẻ tự kỷ bao gồm các nhà tâm lý, các bác sĩ nhi khoa, các bác sĩ tâm thần nhi, bác sĩ phục hồi chức năng, các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, các thầy cô giáo dục đặc biệt.

Tuy nhiên, người mẹ vẫn là người bạn thân nhất, gần gũi nhất để luôn giúp đỡ, chia sẻ và cảm hóa trẻ theo chiều hướng tích cực và kéo trẻ về với cuộc sống đời thường như bao đứa trẻ khác.

Đó là điều khó khăn nhưng không phải không làm được. Nhiều bậc cha mẹ, với sự tư vấn, huấn luyện của các nhà chuyên môn đã tự chữa bệnh tự kỷ cho con mình nhờ sự kiên trì và đạt được kết quả tốt hơn cả sự mong đợi.

Rối loạn tăng động giảm sự chú ý (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm sự chú ý khác với bệnh tự kỷ.

Rối loạn tăng động giảm sự chú ý khác với bệnh tự kỷ.

Nếu như trẻ tự kỷ mất mối quan hệ thân mật với môi trường xung quanh, thiếu ngôn ngữ giao tiếp thì trẻ rối loạn tăng động giảm sự chú ý (ADHD: Attention Dificit Hyperactive Disorder) chỉ là một trẻ lơ đễnh. Do không tập trung sự chú ý, nên khi có một ai đó nói trẻ không biết người ta đã nói gì.

Nhưng khi tập trung sự chú ý vào đó vẫn hiểu được điều người ta nói, khác với trẻ tự kỷ không có khả năng tập trung và cũng không có khả năng hiểu. Trẻ rối loạn tăng động giảm sự chú ý vẫn thiết lập được một mối quan hệ xã hội với mọi người và tham gia chơi được với trẻ cùng trang lứa.

Tuy nhiên, do không có sự tập trung nên trẻ rối loạn tăng động giảm sự chú ý thường phá vỡ các nguyên tắc, quy định dẫn tới những phiền toái cho người khác, nên thường bị “cạch” mặt, khó tạo được mối quan hệ bạn bè thân thiện với những trẻ khác,

Trẻ mắc ADHD biểu hiện qua 3 đặc trưng chính sau đây:

- Giảm chú ý: Thường bỏ nửa chừng các hoạt động hay nhiệm vụ được giao, nên giống như người “đẽo cày giữa đường”. Trẻ nhanh chóng bị hấp dẫn bởi công việc khác nên bỏ ngay việc đang làm để làm việc kia. Kết cuộc, không có việc nào hoàn thành một cách trọn vẹn.

- Tăng hoạt động: Trẻ thường cử động và chạy nhảy liên tục ngay cả khi được yêu cầu yên tĩnh. Trẻ nói nhiều, gây ra sự ồn ào và chưa bao giờ ngồi yên lặng được như các trẻ khác.

- Thiếu kiềm chế: Bất chấp mọi nguy hiểm, tảng lờ các quy định, phá vỡ mọi ràng buộc, thiếu kiểm soát các mối quan hệ xã hội nên thường tạo ra sự xung đột với mọi người.

Khi kiểm tra trạng thái tâm thần trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý thấy có các đặc điểm nổi bật như: Giảm sự tập trung, thường xuyên gia tăng hoạt động. Vẻ mặt và sắc khí bình thường, tốc độ nói bình thường, quá trình suy nghĩ được định hướng với nội dung bình thường. Gặp khó khăn trước những phép tính và thử nghiệm đòi hỏi trí nhớ tạm thời. Trí nhớ dài hạn, sự định hướng và ý nghĩ trừu tượng không bị ảnh hưởng.

Về điều trị, khác với cách điều trị trẻ tự kỷ là không dùng thuốc, các nghiên cứu mới nhất cho thấy việc sử dụng các liệu pháp hóa học, nghĩa là sử dụng thuốc men sẽ tốt cho trẻ hơn là chỉ chăm sóc huấn luyện. Việc dùng thuốc kết hợp với huấn luyện thay đổi hành vi hiện được cho là hợp lý nhất để điều trị cho trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động giảm sự chú ý.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/hai-can-benh-nguy-kiem-lien-quan-den-ca-tinh-khac-biet-cua-tre-nho-as1VKVeMg.html