Theo Kyodo News của Nhật Bản cho biết, vào ngày 3/8, các tàu Hải cảnh Trung Quốc đã không còn hiện diện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản trên biển Hoa Đông sau 111 ngày liên tục di chuyển tại khu vực này. Nguyên nhân có thể là do nhóm tàu này kết thúc chuyến hải hành của mình để tránh cơn bão Hagupit. Ảnh: Tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên biển Hoa Đông.
Nhóm 4 tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ ngày 14/4 năm nay, trải qua 111 ngày và chỉ chịu rời đi cho đến ngày 3/8. Đây là quãng thời gian lâu nhất mà các tàu Trung Quốc có mặt ở khu vực tranh chấp này kể từ khi Tokyo tuyên bố quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản vào tháng 9/2012. Ảnh: Tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoài ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản còn cho hay, một số tàu Trung Quốc đã có mặt gần Senkaku/Điếu Ngư và từng đi theo quấy rối hoạt động đánh bắt của tàu cá Nhật Bản trong khu vực vào đầu tháng . Ảnh: Tàu tuần tra cỡ lớn của Hải giám Trung Quốc cạnh một tàu cỡ nhỏ của Nhật Bản.
Câu chuyện tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần Senkaku đã được truyền thông Nhật Bản vô cùng chú ý và việc tàu Trung Quốc rời đi đã trở thành một chủ đề nóng bỏng tại nước này. Dư luận Nhật Bản than thở về khả năng của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản khi mà họ không thể ngăn chặn các hoạt động trái phép của Trung Quốc và chỉ chịu rời đi vì bão. Ảnh: Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản di chuyển gần một tàu cỡ nhỏ của nước này gần Senkaku.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc - Uông Văn Bân khi được hỏi về việc Nhật Bản coi các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Điếu Ngư là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đã trả lời rằng việc tuần tra của Trung Quốc tại đây là quyền vốn có của họ và Nhật Bản không có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm. Ảnh: Tàu Hải cảnh Trung Quốc và tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đối đầu trên biển Hoa Đông.
Trước đó vào ngày 29/7, ông Uông Văn Bân cũng đã ngang ngược tuyên bố rằng quần đảo Điếu Ngư và các đảo xung quanh là lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa, việc thực hiện các sự hiện diện quanh khu vực đó của Hải cảnh Trung Quốc là quyền vốn có của nước này. Ảnh: Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhìn từ trên cao.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điểm nóng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Trung - Nhật, các tàu chấp pháp Trung Quốc vẫn thường xuyên hiện diện ở đây như một cách khẳng định chủ quyền mặc cho Nhật Bản ra sức phản đối. Việc các tàu của hai nước hoạt động gần nhau tại khu vực tranh chấp có nguy cơ làm bùng phát xung đột quân sự rất cao. Ảnh: Tàu tuần tra của Cục an ninh hàng hải Trung Quốc (China MSA) xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư.
Theo hiệp ước quốc phòng song phương mà Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ký kết, Hoa Kỳ cũng sẽ có hành động bảo vệ các đảo nằm trong lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp những khu vực này bị tấn công. Đây có thể là một phép thử rất lớn đối với mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Ảnh: Các tàu Hải giám Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong ngày 29/7, Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nhật Bản - Trung tướng Kevin Schneider tuyên bố rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong bất kỳ cuộc đụng độ nào với các tàu Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng như sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một cách tối đa có thể. Ảnh: Tàu tuần tra cỡ lớn của Cục an ninh hàng hải Trung Quốc.
Có thể nói rằng, tình hình xung đột giữa Trung - Nhật trên biển Hoa Đông mà cụ thể là ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy cao căng thẳng lên bằng những hành động tuần tra, hiện diện lâu dài gây ra lo ngại rất lớn đối với giới cầm quyền Tokyo. Đây cũng có thể là cách giải quyết những vấn đề tồn tại trong chính nội địa Trung Quốc bằng cách đẩy sự quan tâm của dư luận vào biển Hoa Đông hay Biển Đông. Ảnh: Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc đối đầu.
Video Nhật Bản lập căn cứ radar gần Senkaku/Điếu Ngư - Nguồn: VTC14
Hùng Dũng