Hai câu chuyện của một giáo sư
David Labaree, một giáo sư từng làm Hiệu phó của Đại học trứ danh Stanford, đã kể lại hai câu chuyện đời trái ngược về hành trình thành công của… chính ông, trong bài xã luận về chế độ nhân tài (meritocracy) trên trang Aeon.co. Bạn đọc hãy thử lắng nghe các đoạn trích lược chúng.
Câu chuyện thứ nhất
Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu, lớn lên tại Philadelphia vào những năm 1950.Là đứa trẻ gầy gò, nhút nhát và không giỏi thể thao, cuộc sống thiếu thời của tôi chỉ xoay quanh chuyện làm sao học thật giỏi.Ở trường phổ thông, tôi trở thành chủ tịch hội học sinh và đội trưởng đội cờ đỏ. Ở trường trung học, tôi tiếp tục là học sinh gương mẫu, lại được bầu làm chủ tịch hội học sinh, tốt nghiệp năm 1965 ở vị trí dẫn đầu lớp. Tôi được nhận vào Đại học Harvard với tín chỉ xếp lớp nâng cao (AP) đủ để bỏ qua năm thứ nhất (may mắn là tôi đã không làm thế).
Năm 1970, tôi tốt nghiệp ngành xã hội học và không có triển vọng việc làm. Cuối cùng, tôi trở lại Philadelphia làm việc cho Cục Dự trữ Liên bang. Từ một sinh viên cấp tiến với thiên hướng Mác-xít, tôi bỗng chốc thành một nhân viên ngân hàng cổ cồn, mỗi ngày đều đọc Wall Street Journal. Sau 4 năm, tôi chán ghét và bỏ việc, trong một thời gian ngắn trở thành phóng viên một tờ báo ở ngoại ô. Khi đọc quảng cáo tuyển dụng trên báo, tôi phát hiện trường đại học ở hạt Bucks đang tuyển 3 vị trí nhân viên tuyển sinh, giảng viên viết và giảng viên xã hội học. Tôi được tuyển vào vị trí thứ hai và phần còn lại đã trở thành lịch sử.
David Labaree, từng là Hiệu phó của Đại học Stanford, kể lại hai câu chuyện trái ngược về hành trình của ông. Nguồn ảnh: Đại học Stanford
Vào mùa thu năm 1985, tôi làm thỉnh giảng tại Đại học bang Michigan. Tôi đã dạy ở đó 18 năm, chuyển qua các cấp bậc để lên giáo sư, xuất bản 3 cuốn sách và 20 bài báo cũng như chương sách. Rất nhanh chóng, tôi giành được 2 giải thưởng quốc gia cho cuốn sách đầu tay của mình và 1 giải về giảng dạy. Vào năm 2003, tôi có cơ hội ứng tuyển vào làm việc tại một trong những trường danh giá nhất thế giới, Stanford.Mọi việc suôn sẻ, tôi bắt đầu làm việc ở đó với tư cách giáo sư từ năm 2003 và ở lại đó cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2018. Là một người xuất phát từ cuối hệ thống phân cấp của giáo dục đại học Mỹ, tôi có thể nói với bạn rằng mọi thứ vượt trội ở tầng trên cùng: lương lậu, tỉ trọng giảng dạy, chất lượng giảng viên và sinh viên, các đặc quyền.
Đại loại là dù ban đầu có khó khăn thế nào thì tài năng và trí tuệ sẽ chiến thắng. Cuộc sống rất công bằng trong chế độ trọng dụng nhân tài.
Câu chuyện thứ hai
Sự thật là tôi lớn lên trong một gia đình doanh nhân.Vào những năm 1920, cha mẹ tôi lớn lên ngay bên cạnh khuôn viên trường đại học nơi ông bà tôi đều là giáo sư giảng viên.Giống như nhiều người đã về hưu, gần đây tôi bắt đầu mò mẫm về gia phả. Sử dụng Ancestry.com, tôi đã truy ngược 10 hoặc 12 thế hệ nội ngoại, một số truy về những năm 1400, tìm thấy tổ tiên của mình ở Mỹ, Scotland, Anh và Pháp. Họ đều thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, một số làm bộ trưởng, một số là bác sĩ và nhiều ngành nghề khác.Không có ai xuất thân là nông dân hay doanh nhân.
Cha mẹ tôi đều theo học các trường đại học ưu tú, là trường Princeton và Wilson, họ đã đầu tư rất nhiều vào giáo dục con cái. Họ gửi chúng tôi đến các trường trung học và đại học tư thục.Nền tảng này cho tôi một lợi thế lớn về vốn văn hóa và xã hội.Về công việc đầu tiên trong đời thì sao? Hóa ra, bố tôi từng là cạ chơi đàn với một anh chàng sau này trở thành Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự của Cục Dự trữ Liên bang. Bố tôi gọi điện, người bạn kêu lại phỏng vấn đi. Tôi làm theo và được nhận việc.
Còn cuốn sách đầu tiên của tôi, đã giúp tôi giành giải thưởng và có khởi đầu tuyệt vời trong sự nghiệp thì sao? Cố vấn cho cuốn sách của tôi từng xuất bản một cuốn sách với một biên tập viên tại Praeger, Gladys Topkis (những nhà xuất bản học thuật nổi tiếng), người sau này làm việc tại Nhà xuất bản Đại học Yale.Với sự chứng thực của ông ấy, tôi đã gửi cho bà biên tập một đề xuất phát triển thành sách dựa trên luận văn của tôi. Khi tôi gửi bản thảo, một người thẩm định đã đề nghị không xuất bản nó nhưng bà ấy đã cố thuyết phục ban biên tập chấp thuận.Không có cố vấn, sẽ không có biên tập viên, không có sách, không có giải thưởng và không có sự nghiệp. Nó đơn giản như vậy. Để thành công, bạn cần những người bạn có địa vị.Và, tôi có họ.
Tất cả những điều này, cộng với 2 cuốn sách nữa ở Yale, mở đường cho tôi đến Standford, kể từ đó, tôi bắt đầu trông thông minh và giỏi hơn. Một người bạn cũ, đang làm giáo sư ở Thụy Điển, đã mời tôi trở thành giáo sư thỉnh giảng ở trường đại học của ông ấy.Hơi xấu hổ, ông thừa nhận rằng lời mời này là nhờ nhãn hiệu mới của tôi, với tư cách là giáo sư Stanford.
Câu chuyện thứ hai được diễn dịch theo ý nghĩa hoàn toàn khác: xuất thân và quan hệ đã giúp Labaree có ngày hôm nay, thậm chí giữ một vai trò quan trọng hơn cả tài năng.
Chuyện giáo sư và 1 tỷ để trọng dụng nhân tài
David Labaree viết ra hai câu chuyện này để thừa nhận một điều, mà ông nhấn mạnh rằng đó là “sự thật”: cuộc sống này không hề công bằng, đặc biệt là trong chế độ nhân tài. Xuất thân có thể cung cấp xác suất và lợi thế cao hơn hẳn để đi đến thành công, mà trong câu chuyện ông kể, là con đường trở thành một giáo sư ở Đại học Stanford, một biểu tượng giáo dục toàn cầu.
Giờ chúng ta hãy đến với câu chuyện rất nóng trong vài ngày qua: Tỉnh Hòa Bình lên nội dung dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù đối với trường chuyên THPT, trong đó có chế độ đãi ngộ lên đến 1 tỷ đồng/người cho bất kỳ giáo sư, phó giáo sư nào cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên tại một trường chuyên. Đấy là một câu chuyện điển hình của xã hội trọng nhân tài: lấy đãi ngộ thật cao để thay đổi chất lượng của một ngành nghề.
Giáo dục là một quá trình vốn bất định và không chỉ thành công nhờ “đãi ngộ nhân tài”. Nguồn ảnh: Getty
Tất nhiên, chuyện này chẳng có gì xấu, thậm chí còn rất tốt, trên khía cạnh nào đó.Tỉnh có quyết tâm cải thiện giáo dục và nỗ lực này truyền đi một thông điệp, rằng trong kế hoạch cải thiện này, người tài sẽ được ưu tiên trọng dụng, với tất cả nguồn lực có thể. Với một nền giáo dục vốn đang thiếu những hành động quyết liệt thì đây là động thái tích cực.
Nhưng, chế độ nhân tài cũng có điểm yếu riêng của nó: bằng việc thừa nhận rằng địa vị của một người hoàn toàn là nỗ lực cá nhân và xứng đáng được giành lấy nguồn lực tối ưu nhất, nó có thể dẫn đến sự thiếu cân bằng. Cũng vào giữa tháng 3, trong một bài phỏng vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình thừa nhận rằng ngân sách của tỉnh hiện tại không đủ để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, thậm chí kinh phí này “không có trong danh sách dự toán của tỉnh”.
Việc quá nhấn mạnh học hàm là trung tâm trong chiến dịch cải thiện chất lượng giáo dục ở trường chuyên có thể tạo ra chênh lệch đáng kể trong bối cảnh nguồn lực chi cho giáo dục của tỉnh vẫn còn hạn chế và kết quả thì vẫn phải bỏ ngỏ. Chính một giáo sư ở Stanford cũng phải thừa nhận rằng, địa vị của ông có, ngoài khả năng tự thân, còn là tổng hợp của những điều ngẫu nhiên và quan trọng nhất là xuất thân ông có, thứ thực sự đã tăng xác suất thành công đáng kể cho ông. Thành công trong giáo dục nói chung cũng như đánh giá một giáo viên chất lượng cũng có thể lý giải tương đương như vậy: nó là tổng hợp của rất nhiều nhân tố, như là triết lý giáo dục cốt lõi, đạo đức người thầy và tổ chức giáo dục v.v...
Vào cuối năm ngoái, tôi đọc được một câu chuyện về một người giáo viên tên Nụ, cũng ở Hòa Bình, gần 2 thập niên chèo đò chở học sinh đến trường. Muốn tới điểm trường chính, cô trò phải đi thuyền trên lòng hồ sông Đà nửa tiếng, rồi ngược dốc chừng ấy thời gian nữa.Năm 2005, cô Nụ đã tình nguyện đi dạy tại một xóm đặc biệt khó khăn, chưa có đường bộ. Học sinh muốn tới trường phải nhờ bố mẹ dẫn đi đường mòn, băng qua suối rồi lên thuyền cùng cô giáo để sang sông. Cô giáo ấy thậm chí đã bán đi 2 con bò lấy 15 triệu để sau này đóng một chiếc thuyền an toàn hơn và có động cơ.
Tất nhiên, trong chế độ chỉ tập trung vào nhân tài, những người vẫn đang tự xoay xở với nguồn lực hạn chế như thế, trong một khoảng thời gian đã bằng một phần tư đời người, khó có thể được xem là “nhân tài”. Nhưng, nền giáo dục dường như không chỉ cần những người có tài năng, hay học hàm. Con số 1 tỷ, trong trường hợp này, có thể gợi trong chúng ta nhiều suy ngẫm.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/hai-cau-chuyen-cua-mot-giao-su-i648103/