Hai cuốn sách khắc họa chân dung anh hùng Lý Tự Trọng

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024) - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, Nhà Xuất bản Kim Đồng tái bản 2 cuốn sách: Truyện ký “Lý Tự Trọng - Sống mãi tên Anh” (Văn Tùng) và truyện tranh “Lý Tự Trọng” (tác giả Hoài Lộc - họa sĩ Bùi Việt Thanh).

Hai cuốn sách khắc họa chân thực và cảm động cuộc đời, tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng Lý Tự Trọng cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cuốn truyện ký “Lý Tự Trọng - Sống mãi tên Anh” của tác giả Văn Tùng phù hợp với những độc giả yêu thích văn học, ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Còn truyện tranh “Lý Tự Trọng” của nhóm tác giả Hoài Lộc - Bùi Việt Thanh thích hợp với bạn đọc thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh phần đọc truyện, độc giả được ngắm tranh vẽ chân thực và sống động về anh Lý Tự Trọng, về cuộc sống lao khổ của nhân dân Việt Nam dưới xiềng xích thực dân, đối nghịch với cuộc sống và sự bạo tàn của giặc cùng bè lũ tay sai. Đặc biệt, những cảnh tra tấn, ngục tù càng làm nổi bật sự kiên trung, ý chí bất khuất của anh Lý Tự Trọng và những người chiến sĩ cộng sản…

Hơn 100 hoạt động tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Tạp chí Kiến trúc thực hiện sẽ chính thức được khai mạc vào ngày 9/11. Chủ đề của Lễ hội năm nay là “Giao lộ sáng tạo”, khuyến khích mỗi người nhìn nhận lại cái tôi sáng tạo của bản thân trong hành trình sống.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động sáng tạo sẽ diễn ra, bao gồm các pavilion (tạm hiểu là không gian thiết kế, kiến trúc): “Hành lang ấu trĩ”, “Dòng”, “Bảo tàng lịch sử tương lai”. Một số hoạt động biểu diễn gồm: Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024: Giao lộ sáng tạo; show rock: Hà Nội chốn đi về; show thời trang “Hanoi Fashion Journey 2024”; trình chiếu “Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến”; chiếu phim “Hãy tha thứ cho em” (1992) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh; chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc; trình diễn tác phẩm sân khấu “Thổ địa”. Các hoạt động trưng bày, triển lãm nghệ thuật gồm: Đại triển lãm “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” (gồm 44 triển lãm, tác phẩm); đại triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Tổng hợp 19 Lê Thánh Tông (gồm 22 triển lãm, tác phẩm). Trong lễ hội còn có các hội thảo, tọa đàm; nhiều hoạt động cộng đồng, trong đó nổi bật là tour di sản (giới thiệu những điểm đến di sản của Hà Nội).

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/hai-cuon-sach-khac-hoachan-dung-anh-hung-ly-tu-trong-4bf4bed/