Hai cuốn sách mới tô thắm truyền thống vẻ vang của quê hương non nước Cao Bằng

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông kịp thời ban hành hai cuốn sách mới 'Những người con Cao Bằng với cách mạng Lào', 'Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn' do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh sưu tầm, biên soạn trên cơ sở đề tài nghiên cứu và các cuộc hội thảo khoa học được triển khai năm 2022 - 2023.

Trong lời tựa cuốn sách “Những người con Cao Bằng với cách mạng Lào”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đánh giá đây là công trình khơi dậy niềm tự hào của chúng ta với quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào trong hai cuộc kháng chiến. Là nguồn tư liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống tốt đẹp về mối quan hệ Việt Nam - Lào cho cán bộ, đảng viên và nhân dân… Tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước.

Cuốn sách dày 460 trang với trên 50 bài viết và nhiều tư liệu lịch sử nêu bật những cống hiến, hy sinh to lớn của con em các dân tộc Cao Bằng đã chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào. Những câu chuyện cảm động về tình nghĩa keo sơn giữa quân đội và nhân dân hai nước mà hầu hết các vị tướng lĩnh quê hương Cao Băng đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn ở những thời điểm quan trọng, có tính quyết định thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào không ngừng phát triển và đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trung tướng Đàm Đình Trại, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân khu 1 trong bài viết “Ký ức về Chiến dịch đường 9 Nam Lào” cho biết: Năm 1971, tôi là Chính trị viên Đại đội đặc công, Sư đoàn quân tiên phong (308), đơn vị chủ công có nhiệm vụ đánh phủ đầu cuộc hành quân chiến lược Lam Sơn 719 của Mỹ, Ngụy hòng cắt đứt tuyến đuờng Trường Sơn. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, quân dân hai nước Việt - Lào đã lập nên chiến công hiển hách, đập tan âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Bài “Tổng quan lịch sử quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào” của Đại tá Hoàng Sơn Đông, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khái quát về tiến trình lịch sử mối quan hệ hai nước Việt - Lào đoàn kết đánh kẻ thù chung, xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, đây là nhận thức tiền đề cho việc xây dựng liên minh chiến đấu Việt - Lào ngày càng phát triển ổn định bền vững.

Bài viết “Niềm tự hào của những người con Cao Bằng với cách mạng Lào” của đồng chí Đàm Văn Eng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh với sự phân tích và dẫn chứng khá đầy đủ các sự kiện lịch sử, thông qua những con người thật, việc thật như Thượng tướng Đàm Quang Trung, Thượng tướng Vũ Lập, Trung tướng Bằng Giang, Lê Thùy, Nam Long, Đàm Văn Ngụy, Thiếu tướng Chu Phương Đới, Lãnh Hùng Tân…, những vị chỉ huy chiến dịch tài tình đã lập nên những chiến công vang dội trên đất bạn Lào.

Từ năm 1948, khi Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cử đồng chí Đông Tùng (Hưng Đạo, Hòa An) làm Bí thư Chi bộ Ban xung phong Lào Bắc do ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản (sau này là Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào) đưa một số cán bộ Lào về nước hoạt động; bao thế hệ con em các dân tộc Cao Bằng đã nối tiếp nhau sang giúp Lào xây dựng cơ sở kháng chiến, tiêu biểu như các anh hùng: Phùng Văn Khầu, Nông Văn Việt, Hoàng Đình Hợp, Hoàng Văn Nghiên, Trịnh Trọng Thập, Triệu Xuân Tâng…; hơn 200 tập thể, cá nhân xuất sắc được Đảng và Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý.

Cuốn sách còn cung cấp nhiều thông tin tư liệu, trong đó có danh sách 44 liệt sĩ nằm tại Nghĩa trang Anh Sơn (Nghệ An), giúp chúng ta hiểu rõ hơn những đóng góp của con em các dân tộc Cao Bằng đã ghi một dấu ấn đặc biệt và tình cảm sâu sắc trong mối quan hệ Việt - Lào.

Bìa hai cuốn sách “Những người con Cao Bằng với cách mạng Lào” và “Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn”.

Bìa hai cuốn sách “Những người con Cao Bằng với cách mạng Lào” và “Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn”.

Cuốn sách “Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn” dày 209 trang, tập hợp những bài viết và tư liệu bổ ích về một chiến dịch quân sự đặc biệt có một không hai trong lịch sử đấu tranh cách mạng, Quân đội nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Trung Quốc giải phóng Ung - Long - Khâm Châu giáp với Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Bối cảnh sự kiện, đầu năm 1949, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Trung Quốc xây dựng khu giải phóng Ung - Long - Khâm Châu, nối liền với vùng Đông Bắc của nước ta.

Nhiệm vụ quốc tế cao cả này được giao cho Liên khu 1 và đồng chí Lê Quảng Ba (Phó Tư lệnh Liên khu 1) làm tư lệnh; đồng chí Trần Mình Giang (Trung Quốc) làm chính trị, ủy viên; đồng chí Thanh Phong (tên thật là Nguyễn Tri Phương ở xã Bế Triều, huyện Hòa An) chỉ huy mặt trận phía Tây (Long Châu - Tả Giang); đồng chí Nam Long chỉ huy mặt trận phía Đông (Khâm Châu - Phòng Thành). Trước khi lên đường, Bác Hồ trực tiếp căn dặn và trao cho Lê Quảng Ba mảnh giấy ghi dòng chữ tự tay Người viết: “Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi”.

Cao Bằng vừa là điểm khởi đấu chiến dịch, vừa là nơi cung cấp nhân lực, nguồn lực cho mặt trận. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi bề, chiến trường xa lạ, địa hình phức tạp, ăn đói, mặc rét… nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nêu cao tinh thần đoàn kết, dũng cảm hy sinh. Sau 5 tháng chiến đấu quyết liệt, hai cánh quân của ta đã giải phóng một vùng đất rộng lớn nối liền các căn cứ của khu Thập Vạn Đại Sơn, tạo điều kiện để cánh quân Nam Hạ (giải phóng quân Trung Quốc) tiến xuống Nam Ninh.

Đánh giá về chiến dịch, Chính ủy Trần Minh Giang, Bí thư địa ủy khu Thập Vạn Đại Sơn khẳng định: Thắng lợi về quân sự đã quan trọng nhưng thắng lợi về chính trị còn to lớn hơn nhiều. Hình ảnh bộ đội Việt Nam áo màu nâu, mũ mõm trâu đánh phi thường, ác liệt đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Trung Quốc.

Một số chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch này vẫn còn nằm lại Nghĩa trang Liệt sĩ Trung - Việt ở Thủy Khẩu - Long Châu và Đông Hưng - Phòng Thành, trong đó có đồng chí Long Văn Mần (tức Ngọc Trình), 1 trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

75 năm đã trôi qua, sự kiện lịch sử đặc biệt này được nhắc đến trên một số tờ báo và tạp chí chuyên ngành, nhưng chưa có một cuốn sách nào phản ánh đầy đủ và có tính tập trung nên thông tin về chiến dịch này vẫn còn nhiều điều và nhiều người chưa biết đến.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Viêt Nam 22/12, hy vọng cuốn sách “Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn” sẽ là tư liệu quý để phục vụ công tác nghiên cứu các công trình khoa học lịch sử trong thời gian tới, góp phần khẳng định tinh thần quốc tế cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có những đóng góp không nhỏ của nhân dân các dân tộc Cao Bằng(*).

(*) Trích lời tựa của đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 1.

Lã Vinh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hai-cuon-sach-moi-to-tham-truyen-thong-ve-vang-cua-que-huong-non-nuoc-cao-bang-3173374.html