Hai cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển sắp hầu tòa trong vụ buôn lậu xăng

Lợi dụng ảnh hưởng của mình, 2 cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 và 4 đã nhận hàng tỷ đồng để bao che cho hành vi buôn lậu xăng.

Dự kiến, ngày 12/7 tới đây, Tòa án quân sự Quân khu 7 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép và không tố giác tội phạm.

Vụ án có tất cả 14 bị cáo, trong đó có 2 cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển là cựu thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) và cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) cùng bị xét xử về tội Nhận hối lộ.

Các bị cáo khác là cựu Thiếu tá Lưu Thế Đức, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển; cựu Đại tá Phùng Danh Thoại (cựu Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) bị xét xử về tội Buôn lậu; cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh (Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Có 4 bị cáo từng công tác thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng gồm cựu cựu Đại tá Phạm Văn Trên (cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh); cựu Thượng tá Nguyễn Văn Hùng (cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); cựu Trung tá Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng).

Các bị cáo khác không thuộc quân đội gồm Lê Văn Phương, cựu Thượng tá, cựu Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm bị cáo dân sự gồm: Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, Cao Phước Hoài.

Theo nội dung vụ án, Đào Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng quen biết với bị cáo Phùng Danh Thoại.

Lợi dụng ảnh hưởng của Thoại với lực lượng cảnh sát biển, Viễn đã nhiều lần rủ cựu trưởng phòng xăng dầu này góp vốn cùng với Phan Thanh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh để kinh doanh xăng dầu.

Bị cáo Thoại đồng ý với ý định của Viễn và đã chuyển cho Viễn 5 tỷ đồng để góp vốn kinh doanh. Việc ăn chia lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 4:6 (trong đó Phan Thanh Hữu được hưởng 40% lợi nhuận; nhóm của Viễn (trong đó có Thoại) được hưởng 60% lợi nhuận).

Thương vụ hợp tác buôn lậu giữa Hữu, Thoại và Viễn kéo dài được gần 2 năm thì bị phát giác. Trong đó, cơ quan tố tụng xác định nhóm 3 bị cáo này và một số bị cáo liên quan khác đã buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị gần 2.800 tỷ đồng. Bị cáo Thoại thu lợi bất chính từ hoạt động phi pháp này là hơn 22 tỷ đồng.

Ngoài hợp tác với Viễn, Thoại để buôn lậu xăng dầu, bị cáo Phan Thanh Hữu còn nhờ bị cáo Lê Văn Minh, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng dầu.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2021, Lê Văn Minh đã trực tiếp hoặc thông qua người quen nhận tổng cộng 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện, giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa để không bị bắt giữ, xử lý.

Cáo trạng xác định hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, sự đúng đắn trong hoạt động phòng chống buôn lậu của cơ quan nhà nước.

Trong đó, hành vi của 2 cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển là cựu thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) và cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ và bị xét xử về tội danh này.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-cuu-tu-lenh-vung-canh-sat-bien-sap-hau-toa-trong-vu-buon-lau-xang-a559396.html