Hai đồng minh 'ruột' của Mỹ thương chiến, TQ sốt sắng hòa giải

Trong động thái có khả năng được Seoul hoan nghênh nhưng bị Tokyo cự tuyệt, Trung Quốc đang tìm cách làm trung gian hòa giải trong tranh chấp thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc kiểm soát xuất khẩu sẽ là một mục chính trong chương trình nghị sự khi Bắc Kinh tiếp đón các bộ trưởng ngoại giao của ba quốc gia Đông Bắc Á vào ngày 21/8.

Trung Quốc muốn thể hiện tầm ảnh hưởng

Báo chí Trung Quốc đã đăng tải bài bình luận hôm 18/8 về vai trò trọng tài của Trung Quốc trong tranh chấp.

"Trung Quốc luôn đóng vai trò tích cực trong hội nhập kinh tế khu vực, đó là lý do Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa giải để giúp Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa hiệp", Chen Youjun, nghiên cứu viên cao cấp và giám đốc văn phòng kinh tế khu vực của Viện Thượng Hải về Nghiên cứu Quốc tế, viết trên Global Times.

"Cách tiếp cận để giảm bớt mối quan hệ căng thẳng của họ trong khuôn khổ FTA ba bên có thể là một cách để tránh áp lực dân tộc bên trong hai nước", Chen nhận định.

Các biểu ngữ chống Nhật Bản tại một cuộc biểu tình ở Suwon, bên ngoài Seoul, vào tháng 7. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Các biểu ngữ chống Nhật Bản tại một cuộc biểu tình ở Suwon, bên ngoài Seoul, vào tháng 7. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Quan hệ giữa Seoul và Tokyo trở nên gay gắt kể từ khi Tòa án Tối cao của Hàn Quốc ra phán quyết vào tháng 10/2018 rằng các công ty Nhật Bản nên trả tiền bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho họ trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (1910-1945).

Viện dẫn lý do an ninh quốc gia, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu ba nguyên liệu chủ chốt sang Hàn Quốc vào tháng 7 và sau đó loại nước này khỏi "danh sách trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy - một động thái được Seoul đáp lại vào tuần trước.

Nhật không muốn bên thứ ba tham gia

Trong khi Washington tỏ ra thờ ơ trong việc can thiệp vào tranh chấp giữa hai đồng minh, Trung Quốc dường như đang tìm cách tận dụng sự suy yếu của Mỹ trong khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã sử dụng bài phát biểu kỷ niệm 74 năm kết thúc Thế chiến II để kêu gọi đàm phán với Tokyo. Nhật Bản dường như sẵn sàng thảo luận vấn đề trực tiếp với Hàn Quốc, nhưng không có hòa giải của bên thứ ba.

Theo một nguồn tin của chính phủ Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha trong cuộc gặp riêng ở Bắc Kinh. Nguồn tin cho biết ông Kono có kế hoạch thảo luận về vấn đề thương mại với ông Kang, nhưng không phải trong cuộc họp chính bao gồm Trung Quốc.

Người này cho biết Nhật Bản cảnh giác với việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải và không có ý định nhượng bộ về kiểm soát xuất khẩu hoặc vấn đề kiện cáo các công ty Nhật Bản tại Hàn Quốc.

Tokyo cũng lo ngại rằng việc cho phép hòa giải của bên thứ ba, ngay cả Washington, có thể gây áp lực buộc họ phải nhượng bộ. Việc Trung Quốc cho thấy sự thấu hiểu quan điểm của Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử cũng là một mối lo ngại đối với Nhật Bản.

Theo Nikkei Asian Review, Hàn Quốc có thể hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc, vì nước này có thể tạo thành mặt trận chung với nước láng giềng lớn hơn về các vấn đề lịch sử, theo Lee Chanwoo, phó giáo sư tại Đại học cộng đồng Teikyo ở Tokyo.

Tuy nhiên, Lee cho rằng sự hòa giải Trung Quốc có ít tác động đến quan hệ song phương giữa Seoul và Tokyo.

"Ba nước có những ưu tiên khác nhau và không có đủ động lực để hợp tác trong tranh chấp thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc. Trung Quốc bị cuốn vào tranh chấp thương mại với Mỹ và không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ đang cải thiện với Nhật Bản", ông nói.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hai-dong-minh-ruot-cua-my-thuong-chien-tq-sot-sang-hoa-giai-post980312.html