Hải Dương: Cảnh sát giao thông lập chốt tuần tra ở nơi có nguy cơ mất an toàn giao thông

CSGT lập chốt gần cầu Hiệp (huyện Ninh Giang) tại nơi nguy cơ gây mất an toàn khiến nhiều doanh nghiệp thương mại, người dân giao thương đi qua lo lắng phản ánh

Sáng 27/7, phóng viên Báo Công Thương nhận được phản ánh của một số người dân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại, giao thương đi qua khu vực Hải Dương - Thái Bình về việc, trên đoạn đường giao thông DT 396B gần cầu Hiệp thuộc địa bàn huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hiện nay xuất hiện điểm lập chốt ở nơi có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện.

 Khu vực cảnh sát giao thông lập chốt

Khu vực cảnh sát giao thông lập chốt

Cụ thể, cảnh sát giao thông lập chốt và làm việc tại một lán cố định ngay sát lề đường gần góc cua lên cầu Bến Hiệp với kết cấu bằng khung sắt, mái tôn quây kín mít, nền betong, diện tích khoảng 30m2. Ngoài ra, chốt giao thông này được xây dựng trên hành lang, có phần mái che lấn ra hướng lòng đường, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, rất nguy hiểm.

Chiếc xe đỗ trong lán trong lúc lực lượng CSGT tác nghiệp có phần đuôi gây nguy cơ mất an toàn

Chiếc xe đỗ trong lán trong lúc lực lượng CSGT tác nghiệp có phần đuôi gây nguy cơ mất an toàn

Bên trong chốt giao thông có định này có lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm việc, thậm chí có cả xe ô tô dân sự biển kiểm soát 34A.119.30 đỗ với phần đuôi hướng ra đường, nguy cơ gây vướng trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ. Không rõ xe này của người dân hay cán bộ cảnh sát giao thông nhưng không thấy lực lượng chức năng chấn chỉnh ở khu vực lập chốt.

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định có các hình thức tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông là: Tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông, và kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông (chốt giao thông). Việc tuần tra, kiểm tra đều phải theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mái lán lợp tôn phía trên lấn ra lòng đường, nguy cơ gây va chạm với phương tiện giao thông có chiều cao

Mái lán lợp tôn phía trên lấn ra lòng đường, nguy cơ gây va chạm với phương tiện giao thông có chiều cao

Trường hợp lập “chốt” tại một điểm trên đường giao thông phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật.

Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định: Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại Trạm Cảnh sát giao thông phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng.

Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, không thấy có rào chắn, dây căng, chỉ có cọc tiêu hình chóp nón được đặt ở phía đường đối diện với lán lợp tôn.

Tuyến đường có người và xe qua lại nhiều, tiềm ẩn nguy hiểm nên một số doanh nghiệp, người dân hoạt động kinh doanh thương mại, giao thương qua khu vực này đã có phản ánh về tòa soạn Báo Công Thương

Tuyến đường có người và xe qua lại nhiều, tiềm ẩn nguy hiểm nên một số doanh nghiệp, người dân hoạt động kinh doanh thương mại, giao thương qua khu vực này đã có phản ánh về tòa soạn Báo Công Thương

Theo hình ảnh được phản ánh, chiều 27/7, phóng viên Báo Công Thương có mặt tại hiện trường để tìm hiểu thì không còn thấy lực lượng cảnh sát giao thông tác nghiệp. Tuy nhiên, khi trao đổi với người dân trong khu vực thì được biết, chiếc lán lợp tôn này trước kia là chốt chống dịch Covid-19 được địa phương lập nên. Sau khi dịch Covid-19 đi qua, chốt này bỏ hoang nhưng gần đây, thấy lực lượng cảnh sát giao thông đến lập chốt.

Cũng có ý kiến cho biết nơi này gần đây còn là nơi một số người dân tụ tập bán bánh gai, hoa sen sát lòng đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông song chưa thấy lực lượng chức năng ở địa phương chấn chỉnh. Do đó, việc sử dụng làm chốt càng không nên, dễ cổ xúy cho tình trạng bán bánh gai, nông sản sát lòng đường. Phóng viên Báo Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để làm rõ phản ảnh trên, đồng thời thông tin chính xác hơn nếu phản ảnh chưa đầy đủ và chuẩn xác.

Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên thấy phần lớn thông tin phản ánh của bạn đọc là có cơ sở. Tuyến đường này liên thông sang tỉnh Thái Bình, lượng xe đi lại đông, trong đó có nhiều xe tải cỡ lớn, thùng xe cao có thể va chạm với mái lán lợp tôn, tiềm ẩn nguy hiểm. Hơn nữa mặt đường hẹp, nếu đặt cọc tiêu đã chiếm gần ½ lòng đường, buộc các phương tiện vận tải cỡ lớn phải đi sát vào lan, nguy cơ xảy ra tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra.

Mặt trước của khu vực cảnh sát giao thông lập chốt

Mặt trước của khu vực cảnh sát giao thông lập chốt

Mặt sau của khu vực lán

Mặt sau của khu vực lán

Thiết nghĩ lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, thực thi nhiệm vụ là cần thiết nhưng cần lựa chọn điểm lập chốt hợp lý, bảo đảm an toàn cho người dân và cho chính lực lượng thực thi nhiệm vụ và người thực thi pháp luật trước hết phải tuân thủ các qui định về an toàn giao thông đường bộ, không tác nghiệp ở những nơi có dấu hiệu mất an toàn như vậy. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng cần kiểm tra, xử lý khu vực lán lợp mái tôn trong hành lang an toàn đường bộ, cần dỡ bỏ phần mái tôn lấn ra khu vực đường giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-duong-canh-sat-giao-thong-lap-chot-tuan-tra-o-noi-co-nguy-co-mat-an-toan-giao-thong-264112.html