Hải Dương đề xuất tăng thêm trên 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 7) ngày 23/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh trình HĐND phê duyệt điều chỉnh bổ sung tăng 2.048 tỷ đồng trong vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 (từ 16.077 tỷ đồng lên 18.125 tỷ đồng), từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 bổ sung cho chi đầu tư phát triển và thu sử dụng đất.
Ông Lê Hải Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, Hải Dương dự kiến tổng nguồn vốn giao tăng và các nguồn vốn đề nghị điều chỉnh của 11 dự án (dư vốn, không có khả năng thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 là 1.311 tỷ đồng) là 3.500 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho 18 dự án; trong đó, phân bổ cho 6 dự án có trong kế hoạch vốn trung hạn là trên 331 tỷ đồng; bổ sung mới 12 danh mục với tổng vốn phân bổ, dự kiến là trên 1.968 tỷ đồng; hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện và giao cấp huyện thực hiện là 3 dự án với số vốn trên 1.059 tỷ đồng (gồm các dự án “Cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố Hải Dương với vùng huyện Cẩm Giàng, Bình Giang; “Xây dựng đường trục Đông - Tây huyện Kim Thành, đoạn từ nút giao lập thể với Quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên đến bùng binh Ngũ Phúc”; “Cải tạo, nâng cấp kênh dẫn Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ, huyện Ninh Giang” để đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
Riêng năm 2023, Hải Dương điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án dư vốn, dự án dự kiến theo tiến độ không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao và trích khoảng 218 tỷ đồng trong tổng vốn chưa phân bổ chi tiết để phân bổ cho 11 dự án với tổng vốn bố trí là trên 428 tỷ đồng. Số vốn còn lại là trên 58 tỷ đồng thuộc nguồn thực hiện theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa để thực hiện cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi, đề nghị chuyển nguồn sang năm 2024 để phân bổ cho dự án theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định là trên 15.621 tỷ đồng. Sau các lần điều chỉnh, phân bổ và bổ sung kế hoạch vốn, tổng kế hoạch vốn 5 năm 2021 - 2025 là trên 16.077 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đã phân bổ và dự kiến phân bổ cho 134 dự án là 14.083 tỷ đồng, bao gồm 33 dự án đã hoàn thành từ giai đoạn trước là trên 189 tỷ đồng; 26 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là trên 798 tỷ đồng; 71 dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là trên 12.456 tỷ đồng; 04 dự án khởi công mới hoàn thành giai đoạn sau năm 2025 là 637,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do danh mục các dự án tạo nguồn thu (chủ yếu là từ tiền sử dụng đất) để đầu tư cho các dự án trọng điểm cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2023, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, trực tiếp ảnh hưởng đến công tác đấu thầu, đấu giá chuyển quyền sử dụng đất và tiến độ thu nộp ngân sách nhà nước hàng năm.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, dự kiến tổng số tiền sử dụng đất 5 năm trên địa bàn tỉnh thu được là khoảng trên 35.000 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, Hải Dương đã có 35 dự án khu dân cư, khu đô thị đấu thầu, đấu giá chuyển quyền sử dụng đất (trong đó, có 25 dự án đã được tính giá và 10 dự án đang xin ý kiến) và dự kiến tổng thu tiền sử dụng đất khoảng trên 13.239 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế thu nộp ngân sách nhà nước 3 năm 2021 - 2023 rất hạn chế, ước đạt 13.760 tỷ đồng, chỉ bằng 41,8% so với kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; số còn lại phải thu trong 2 năm 2024-2025 là 19.138 tỷ đồng (bình quân phải thu 9.569 tỷ đồng/năm).
Chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị cần đánh giá tính khả thi của việc triển khai các dự án để bổ sung, điều chỉnh vốn đầu tư công trong thời gian tới. Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu phải ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, cấp bách, đem lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh. Các sở, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục rà soát lại khả năng thu tiền sử dụng đất trong giai đoạn 2021 - 2025 và thực tế triển khai các dự án trọng điểm để cân đối, điều chỉnh nguồn vốn, phát huy hiệu quả sử dụng vốn.