Hải Dương: Phát huy giá trị di sản văn hóa múa rối nước, đua thuyền chải
Ngày 14/9, tại hồ Kiếp Bạc thuộc di tích Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra giải đua thuyền chải và trình diễn nghệ thuật múa rối nước.
Đây là những hoạt động do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.
Gần 20 nghệ nhân của phường múa rối nước Hồng Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã trình diễn khoảng 20 tích, trò đặc sắc, hấp dẫn mô phỏng các nét văn hóa, phong tục, sinh hoạt và sản xuất, đời sống tâm linh của người dân đồng bằng Bắc Bộ như: tễu giáo đầu, cắm cờ hội, múa rồng, múa rắn, bơi bắt vịt, câu cá, úp nơm, câu ếch, chăn vịt, chọi trâu, múa tiên, múa tứ linh, chơi đu ngày hội, quay tơ dệt lụa… Phường rối nước sẽ biểu diễn ngày hai lần trong ba ngày 14-16/9.
Múa rối nước là bộ môn nghệ thuật độc đáo của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ mô tả những hoạt động trong đời sống, sản xuất của người dân. Hiện nay, tỉnh Hải Dương có ba phường rối nước gồm: Hồng Phong (huyện Ninh Giang), Thanh Hải (huyện Thanh Hà), Bùi Thượng (huyện Gia Lộc).
Những năm gần đây, tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai nhiều biện pháp lưu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật môn nghệ thuật này. Các phường rối nước đã chủ động truyền nghề, đầu tư đạo cụ, biểu diễn tại các lễ hội ở địa phương và các vùng lân cận. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cũng tạo điều kiện, tổ chức giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh.
Cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cũng đã tổ chức giải đua thuyền chải năm 2019. Giải quy tụ 160 tay chèo thuộc tám đội đua thuyền của các địa phương trong tỉnh Hải Dương như thành phố Hải Dương, các huyện Gia Lộc, Thanh Hà, Kim Thành. Giải đua diễn ra sôi động trong tiếng trống giục, tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo người dân đi hội.
Đua thuyền chải là một nét văn hóa độc đáo thế hiện tinh thần thượng võ, tái hiện việc rèn luyện thủy binh của ông cha ta từ xa xưa. Trải qua hàng nghìn năm, môn bơi thuyền chải vẫn được người dân gìn giữ và trở thành môn thể thao yêu thích của người Việt, không chỉ là môn thể thao của sức mạnh mà còn là cuộc thi biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí tập thể.
Tại Hải Dương cũng như một số tỉnh, thành có nhiều sông, hồ lớn, việc tập luyện bơi thuyền chải và đua thuyền đã trở thành một món ăn tinh thần gắn liền với việc thờ các vị thần cai quản sông nước và các vị tướng có tài đánh thủy. Ở một số dịp Tết, lễ hội trong tỉnh giải đua thuyền được tổ chức đã góp phần làm đa dạng, phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.