Hải Dương sẻ chia khó khăn với người yếu thế

Từ ngày 1/8, mức chuẩn trợ cấp xã hội ở Hải Dương được nâng lên 550.000 đồng/người/tháng, cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Chính phủ. Chính sách này không chỉ giúp người yếu thế vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống mà còn góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội, phát triển bền vững của tỉnh.

Bà Phạm Thị Gái có con trai bị khuyết tật nặng, cuộc sống gia đình phụ thuộc nhiều vào trợ cấp xã hội, do đó khi mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng giúp bà bớt khó khăn

Bà Phạm Thị Gái có con trai bị khuyết tật nặng, cuộc sống gia đình phụ thuộc nhiều vào trợ cấp xã hội, do đó khi mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng giúp bà bớt khó khăn

Vơi bớt khó khăn

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Gái (sinh năm 1962 ở thôn Bá Đông, xã Bình Minh, Bình Giang) vào một ngày mưa. Trong ngôi nhà xây cất đã lâu, đồ đạc ngổn ngang. Ông Vũ Đình Nhung (sinh năm 1964) chồng bà Gái mấy hôm nay sức khỏe yếu không đi làm thuê được. Anh Vũ Đình Dung (sinh năm 1991) con trai của ông bà bị tai nạn từ năm 2008, đến nay đã phải cắt cụt 2 chân, ngồi trên xe lăn. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào tiền trợ cấp xã hội thương tật đối với anh Dung và trợ cấp nuôi dưỡng người khuyết tật nặng của bà Gái. Những lúc khỏe mạnh, ông Nhung đi phụ vữa để kiếm thêm. Mấy năm trước, vì kiếm kế sinh nhai, mẹ con bà Gái đến TP Hải Dương thuê nhà trọ, đi bán hàng lặt vặt kiếm sống. Mới đây mẹ con bà đã về quê bắt mối bán dép ở ven đường.

“Cuộc sống của gia đình tôi còn khó khăn lắm. Con trai thì bệnh tật không đi lại được nhưng vì kiếm tiền trang trải cuộc sống mà phải phụ mẹ bán hàng, chịu nắng mưa ở chợ. Đợt này trợ cấp tăng lên, cháu cũng được 1 triệu đồng/tháng, vừa đủ để lo tiền thuốc thang hằng tháng. Còn tôi cũng được tăng thêm 130.000 đồng/tháng, thành 500.000 đồng. Thêm được đồng nào cũng đáng quý, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn”, bà Gái chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nha ở phường Duy Tân (Kinh Môn) bị khuyết tật mất một cánh tay nên rất khó khăn để lao động kiếm sống, chủ yếu phụ thuộc vào người thân và tiền trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người khuyết tật. Trước đây, chị nhận mức trợ cấp 570.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/8 mức chuẩn trợ cấp tăng thêm, chị được nhận 825.000 đồng/tháng. Chị Nha cho biết số tiền tăng lên này rất đáng quý vì nó giúp chị có thêm chi phí cho cuộc sống. Chị là người tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là tổ chức Hội Người khuyết tật nên cần có chi phí đi lại. Hiện nay, cán bộ Hội Người khuyết tật không có bất kỳ trợ cấp nào song vì thương cảm với những người cùng số phận nên chị luôn nỗ lực kết nối các nhà hảo tâm, tổ chức tài trợ kinh phí tặng quà cho họ.

Nỗ lực vì người yếu thế

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp tham mưu ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất mức quà tặng cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tại phiên họp UBND tỉnh, ngày 27/10/2023

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp tham mưu ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất mức quà tặng cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tại phiên họp UBND tỉnh, ngày 27/10/2023

Hải Dương hiện có gần 83.700 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng và gần 1.000 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Trước đây, với mức chuẩn trợ giúp xã hội 380.000 đồng/tháng thì mức trợ cấp xã hội bình quân của đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 534.000 đồng/người/tháng; mức trợ cấp nuôi dưỡng bình quân hằng tháng của các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là 1.533.000 đồng/người/tháng.

Như vậy, chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với các chính sách khác, dẫn đến hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội chưa cao, chưa hỗ trợ được nhu cầu thiết yếu của đối tượng bảo trợ xã hội.

Trước thực tế đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp tham mưu ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Chị Nha (bên trái) phối hợp tặng quà cho người khuyết tật ở Kinh Môn

Chị Nha (bên trái) phối hợp tặng quà cho người khuyết tật ở Kinh Môn

Qua đánh giá tình hình đời sống thực tế của các đối tượng bảo trợ xã hội và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng từ ngày 1/8/2024 là 550.000 đồng/tháng (cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Chính phủ, cao hơn 170.000 đồng so với mức chuẩn trước đây của tỉnh). Tổng kinh phí để thực hiện chính sách này tăng thêm 263,31 tỷ đồng/năm.

Với mức chuẩn này thì mức trợ cấp xã hội của đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh bình quân là 775.500 đồng/người/tháng, mức trợ cấp nuôi dưỡng đối với các đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bình quân là 2.222.000 đồng/người/tháng.

“Chính sách này nhằm giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội ổn định cuộc sống, có điều kiện tiếp cận nhiều dịch vụ xã hội hơn, phát huy thế mạnh bản thân, giúp tăng thu nhập cho gia đình”, ông Vũ Trí Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương cho biết.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-se-chia-kho-khan-voi-nguoi-yeu-the-390596.html