Hải Hậu nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường

Theo đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, từ nhiều năm nay huyện đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, công tác BVMT của huyện còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Từ năm 2021 huyện đã trình thẩm định công nhận 34/34 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, từ nhiều năm nay huyện đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, công tác BVMT của huyện còn nhiều tồn tại cần khắc phục.

Cảnh quan môi trường nông thôn mới xã Hải Hưng.

Từ năm 2021 huyện đã trình thẩm định công nhận 34/34 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên qua thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra còn 30 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn về yếu tố đảm bảo môi trường tại khu xử lý rác thải do hệ thống lò đốt rác quy mô nhỏ còn gây ô nhiễm. Huyện đã hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 150 triệu đồng để tiến hành khắc phục bất cập của hệ thống lò đốt rác. Dù vậy, theo quy định đến nay hệ thống lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã không còn được khuyến khích sử dụng, thay vào đó cần hướng đến việc xử lý rác tập trung quy mô liên xã, liên huyện để giảm nguy cơ phát tán chất thải thứ cấp, đặc biệt là các chất độc hại dioxin/Furan… Ngoài ra, việc phát động, xây dựng các phong trào cải tạo cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận bước đầu nhưng nếu không có giải pháp duy trì thường xuyên, thì cũng khó giữ được chất lượng phong trào. Ngoài ra, tại địa bàn huyện còn các bất cập tồn tại như: khu vực các cụm công nghiệp, làng nghề, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm... chưa đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn về BVMT.

Để nâng cao chất lượng BVMT, từ đầu năm 2022 đến nay huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị quán triệt các quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT được quy định tại Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để thực thi hiệu quả. Tăng cường đôn đốc UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu NTM về môi trường năm 2022. Tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn nhằm đảm bảo năm 2022 tỷ lệ thu gom, xử lý rác sinh hoạt đạt trên 95%. Tăng cường chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ việc xử lý, xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Từ nay đến năm 2025 huyện tiếp tục triển khai Đề án khoán quản giải tỏa vật cản dòng chảy và vệ sinh môi trường các tuyến kênh mương; xây dựng tuyến đường kiểu mẫu phía đông sông Múc (đoạn từ cầu 19-5 đến cầu Cồn ngoài). Đầu tư nâng cấp, chỉnh trang cảnh quan, môi trường ở các khu vực trung tâm huyện.

Các xã, thị trấn đang tập trung đôn đốc các cơ sở sản xuất trong CCN, làng nghề chấp hành quy định pháp luật về BVMT gồm thu gom, xử lý, quản lý, giảm thiểu chất thải phát sinh; quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Đôn đốc các làng nghề lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề; triển khai thực hiện các mô hình BVMT làng nghề; tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các xã, thị trấn cũng tạo điều kiện giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp... Có kế hoạch rà soát đánh giá hoạt động của trang trại chăn nuôi hiện có, đề xuất nhân rộng mô hình chăn nuôi trang trại hiệu quả và xây dựng kế hoạch khắc phục trang trại chưa phù hợp để phát triển chăn nuôi, đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Về lâu dài, sẽ tăng cường quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi, các khu chăn nuôi tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo có từ 90% trở lên số hộ chăn nuôi (quy mô nông hộ, quy mô trang trại) có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt quy chuẩn và bền vững. Những xã có điều kiện, huy động các chủ trang trại tự đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường ở các vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Thường xuyên phát động và tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường; vận động các thôn, xóm và nhân dân quan tâm chỉnh trang cảnh quan khuôn viên gia đình, nơi công cộng; bổ sung các bồn hoa, chậu hoa và trồng bổ sung cây bóng mát trên các tuyến đường nông thôn, trạm y tế, khu trung tâm và các công trình phúc lợi công cộng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2025 mỗi xã có: 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn có rãnh dọc thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến; ít nhất 3 tuyến đường kiểu mẫu có chiều dài từ 1km trở lên (trong đó có 1 tuyến khu trung tâm UBND xã); nhân rộng mô hình đường kiểu mẫu, vườn hoa kiểu mẫu, vườn mẫu; tổ chức quản lý tốt các tuyến đường thuộc phạm vi địa phương, kiên quyết giải tỏa vi phạm hành lang giao thông. Nhân rộng nhanh mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, phấn đấu đến năm 2024 có 100% số đơn vị cấp xóm và trên 95% số hộ gia đình của xóm thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn; 100% rác thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định. Duy trì thường xuyên, hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, với tần xuất tối thiểu thu gom 3 lần/tuần. Thường xuyên duy trì và nâng cấp các khu xử lý rác thải đảm bảo thân thiện môi trường (gồm: lắp đặt hệ thống xử lý khói thải, máy xử lý chất rắn, kho bảo quản rác thải nguy hại, bể xử lý rác thải hữu cơ, san lấp bãi rác cũ, xây tường bao, trồng cây xanh, hợp đồng quan trắc môi trường...). Phối hợp với Công ty TNHH MTV KTCTTL Hải Hậu định kỳ hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh dòng sông kênh mương, vệ sinh mái kênh; thực hiện hiệu quả việc khoán quản dòng chảy; tổ chức giải tỏa triệt để các vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là khu vực bờ kè phía đông sông Múc đoạn từ cầu 19-5 đến cầu Cồn ngoài.

Với việc tăng cường các giải pháp kể trên, Hải Hậu phấn đấu đến năm 2025 huyện được Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202206/hai-hau-nang-cao-chat-luong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-2551645/