Hai hiệp định EVFTA và EVIPA: Tuyến cao tốc nối EU và Việt Nam

EVFTA và EVIPA đã mở ra chân trời hợp tác rộng lớn cho Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên

Chiều 30-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Bước khởi đầu cho hợp tác chiến lược

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng cho biết ngày 29-6, tại hội nghị các nhà lãnh đạo quốc gia G20 ở Nhật Bản, ông đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker. Ông Jean-Claude Juncker đã nhấn mạnh 30-6 là một ngày đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - EU. Việc chính thức ký 2 hiệp định quan trọng này đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) hai bên.

Theo Thủ tướng, sự liên kết, tổng hòa 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này cùng với Hiệp định Đối tác hợp tác toàn diện PCA ký năm 2012 sẽ nâng quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU. Hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau sẽ hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định, phát triển.

Ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)

Ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)

Trong năm 2020, Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, cộng đồng kinh tế có dân số gần 650 triệu người với GDP trên 3.000 tỉ USD, đứng thứ 6 toàn cầu. Kể từ ngày 14-1-2019 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do "thế hệ mới" CPTPP giữa Việt Nam với 10 nước phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu có hiệu lực, tạo nên một khối kinh tế có quy mô 13% GDP toàn cầu.

Thủ tướng tin tưởng Nghị viện châu Âu, nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA để khi có hiệu lực, 2 hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến cao tốc nối gần hơn nữa EU và Việt Nam. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu; các DN hai bên tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt, DN EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng cho 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.

"Tuy nhiên, việc ký EVFTA, EVIPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai thành công. Việt Nam sẽ ban hành "Chương trình hành động quốc gia" thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, DN, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường" - Thủ tướng khẳng định.

Cột mốc lịch sử

Tại buổi họp báo sau lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay bước ký kết chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Theo quy định, về phía Việt Nam, EVFTA và EVIPA sẽ được trình Quốc hội xem xét phê chuẩn còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện châu Âu thông qua. Riêng EVIPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện Các nước thành viên EU mới chính thức có hiệu lực, đi vào thực thi. Do vậy, trước mắt còn phải trải qua một chặng đường nữa là phê chuẩn cả 2 hiệp định này. Chặng đường này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và EU. Vì vậy, ngay sau khi ký kết, cả hai bên cần sớm triển khai các công tác chuẩn bị cho việc phê chuẩn theo quy trình nội bộ của mình và chuẩn bị ngay các bước để có thể triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN hai bên.

Ông Stefan-Radu Oprea - Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và DN Romania, đại diện Hội đồng EU - cũng đánh giá việc ký kết 2 hiệp định nói trên mang tính lịch sử và là biểu tượng quan trọng của sự hợp tác trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay. Theo ông Stefan-Radu Oprea, EVFTA và EVIPA có thể thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên rất mạnh mẽ nên EU sẽ thúc đẩy phê chuẩn.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom nhận định việc ký 2 hiệp định nói trên mang tính cột mốc quan trọng, khẳng định hợp tác lâu bền giữa hai bên. "Đây là tín hiệu tốt với thế giới khi xu hướng bảo hộ gia tăng. Việt Nam là thành viên và là trụ cột kinh tế của ASEAN, do đó tôi hy vọng hiệp định sẽ là viên gạch nền tảng quan trọng cho các bên, cho hội nhập của khu vực" - bà nói.

Phía EU khẳng định thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam xác định và triển khai kế hoạch thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho các cải cách và điều chỉnh cần thiết, bao gồm cả trong các lĩnh vực như những biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và rào cản phi thuế quan. Ngoài lợi ích kinh tế, EVFTA và EVIPA còn hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả Việt Nam và EU.

Bà Cecilia Malmstrom cho biết thêm đây là hiệp định mang tính tham vọng nhất mà EU ký với một nước đang phát triển về tiếp cận thị trường, mua sắm công, kiểm dịch động vật, nguồn gốc sản phẩm.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/hai-hiep-dinh-evfta-va-evipa-tuyen-cao-toc-noi-eu-va-viet-nam-20190630230700507.htm