Hài hòa quyền, lợi chính đáng của các bên liên quan
Thảo luận tại Tổ sáng nay, 30.10, về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản và đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa):
Cần mở rộng hơn phạm vi thí điểm
Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, dự thảo Nghị quyết cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định việc xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong vụ án hình sự đang thụ lý, giải quyết, mặc dù vụ án hình sự này không có quyết định đình chỉ. Như vậy, việc xử lý vật chứng, tài sản nêu trong dự thảo Nghị quyết được hiểu là bó hẹp trong phạm vi. Cụ thể, đối với các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Chương XVIII (các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), Chương XXIII (các tội phạm về chức vụ) và một số tội phạm quy định tại Chương XVI (các tội xâm phạm sở hữu) Bộ luật Hình sự; còn những tội phạm được quy định tại các chương khác thì không áp dụng Nghị quyết này. Các tội phạm này nằm trong vụ án hình sự đang ở giai đoạn điều tra thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp trung ương (tức là các Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Các Cơ quan điều tra thuộc Cơ quan công an cấp tỉnh, Cơ quan điều tra thuộc quân đội nhân dân cấp quân khu không có thẩm quyền này.
Việc quy định Cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý vật chứng, tài sản khi vụ án hình sự đang được tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ để buộc tội đối với những người bị buộc tội mà không cần phải có quyết định đình chỉ ở giai đoạn điều tra dường như trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trước tiên là trái với quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Do vậy, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng như tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết có lẽ chưa hợp lý. Cần quy định thí điểm mở rộng hơn như: áp dụng đối với tất cả các vụ án hình sự có các bị can phạm các tội danh mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản để bảo đảm bồi thường thiệt hại như quy định tại Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nên trao cho các cơ quan điều tra các cấp có thẩm quyền áp dụng việc xử lý tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, còn việc xử lý vật chứng thì theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
ĐBQH Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh):
Cân nhắc điều kiện áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản
Dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời, cũng tính cả việc áp dụng luôn biện pháp xử lý tài sản ở giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm. Như vậy là trái với quy định tại khoản 3, Điều 147, Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cũng theo quy định tại Điều 36, Điều 128, Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chỉ cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết kê biên, phong tỏa tài sản sau khi có quyết định khởi tố bị can. Ở giai đoạn xử lý nguồn tin tội phạm, nhiều khi thông tin về vụ việc còn chưa trình tới Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà dự thảo Nghị quyết này quy định luôn chỗ này là chưa đúng với Kết luận số 87-KL/TW, ngày 13.7.2024 của Bộ Chính trị. Do đó, cần phải làm rõ việc có áp dụng biện pháp xử lý tài sản ở giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm hay không.
Về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng, theo điểm b, khoản 7, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định “các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định”, cần cân nhắc việc quy định “phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định” xem có vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử hay không? Bởi lẽ, nếu yêu cầu ba cơ quan cùng thống nhất xử lý nhưng một cơ quan không đồng ý thì sao? Trong trường hợp xử lý sai phải bồi thường thì trách nhiệm của cơ quan nào phải bồi thường hay cùng chung ba cơ quan? Cần cân nhắc kỹ nội dung này.
ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi):
Hài hòa lợi ích Nhà nước, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân
Về nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, có được áp dụng đồng thời từ 2 biện pháp trong 5 biện pháp mới quy định hay không? Ví dụ, sau khi áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì vật chứng, tài sản được giao cho chủ sở hữu hoặc người có quyền quản lý, sử dụng hợp pháp. Trường hợp xét thấy có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng có được quyền áp dụng thêm biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hay không?
Đối với biện pháp nộp tiền để bảo đảm hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì người bị buộc tội, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 dự thảo Nghị quyết có được quyền chuyển dịch tài sản (mua bán, trao đổi, tặng cho…) hay không? Dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ vấn đề này. Theo tôi, chỉ giao cho họ quyền quản lý, sử dụng và những người này phải có nghĩa vụ bảo quản vật chứng, tài sản, bảo đảm không thay đổi hiện trạng đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nhằm bảo đảm nghĩa vụ thi hành án, bồi thường thiệt hại.
Về thẩm quyền hủy bỏ, thay đổi biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 3 dự thảo Nghị quyết, người có thẩm quyền đã ra quyết định áp dụng biện pháp này mới có quyền hủy bỏ, thay đổi biện pháp xử lý vật chứng. Quy định này còn cứng nhắc vì tại khoản 2, Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi không còn cần thiết.
ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc):
Quy định cụ thể hơn để bảo đảm quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản
Việc ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là rất cần thiết. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nói chung, đặc biệt là điều tra, xử lý những vụ án kinh tế, tham nhũng vừa qua có nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến thu giữ vật chứng; trong xử lý tiền, lợi ích thu được do phạm tội mà có...
Thực tế, quá trình giải quyết tin báo, truy tố, xét xử của nhiều vụ án bị kéo dài, thậm chí có vụ án kéo dài đến 3 năm. Việc bảo quản vật chứng của những vụ án này gây tốn kém cho quá trình giải quyết, thậm chí có một số tài sản kê biên phải nằm trong Kho bạc Nhà nước, tiền bị giữ lại ở tài khoản ngân hàng, không được sử dụng, lưu thông, gây thiệt hại cho người bị hại, ảnh hưởng đến nguồn lực chung của xã hội. Do đó, việc ban hành Nghị quyết này để xử lý ngay từ đầu, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là rất cần thiết, kịp thời.
Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Có ý kiến cho rằng, việc xử lý vật chứng, thu giữ tài sản, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản chỉ nên áp dụng từ giai đoạn khởi tố trở đi.
Nhưng, tôi nhận thấy, giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm mới là giai đoạn mất nhiều thời gian, cần áp dụng các biện pháp nêu trên để xử lý vật chứng, tài sản hiệu quả hơn. Mặt khác, Điều 2 và Điều 3 của dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc thực hiện thí điểm hay Điều 3 dự thảo Nghị quyết về các biện pháp áp dụng đều có những quy định rất chặt chẽ, góp phần bảo đảm quyền của người bị hại, bị can, bị cáo, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế cho phép người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm thi hành án để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Số tiền nộp bảo đảm không thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản. Quy định này là hợp lý, nhưng tại điểm c, khoản 2, Điều 3 lại quy định “người bị buộc tội, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình khai thác, quản lý, sử dụng”. Nội dung này cần được quy định kỹ hơn, vì những vật chứng đã được làm rõ, các cơ quan tố tụng cũng đã xác định bị can, bị cáo, những đối tượng có liên quan, thì hoàn toàn có thể trả lại cho chủ sở hữu, cho họ quyền định đoạt tài sản. Quy định như vậy sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản sau khi được xóa phong tỏa, kê biên.