Hãi hùng bến khách trên sông Hồng chở quá tải, xem thường tính mạng hành khách

Dù đang trong mùa mưa bão, bến khách Hồng Vân - Bình Minh trên sông Hồng, nối huyện Thường Tín (Hà Nội) và huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) thường xuyên chở quá tải nghiêm trọng, đe dọa an toàn của hành khách.

Bến khách ngang sông Hồng Vân - Bình Minh thường xuyên chất đầy ô tô, với tình trạng ô tô tải che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện thủy (Trong ảnh: phương tiện thủy HY - 0404, HN - 1577 tại đầu bến Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và bến Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội; chụp ngày 21/9/2024)

Bến khách ngang sông Hồng Vân - Bình Minh thường xuyên chất đầy ô tô, với tình trạng ô tô tải che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện thủy (Trong ảnh: phương tiện thủy HY - 0404, HN - 1577 tại đầu bến Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và bến Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội; chụp ngày 21/9/2024)

Những ngày trước và sau cơn bão số 3 (từ ngày 7 - 11/9), từ phản ánh của bạn đọc và ghi nhận thực tế của phóng viên Tạp chí GTVT tại một số bến khách ngang sông Hồng nối Hà Nội – Hưng Yên, điển hình như bến Hồng Vân – Bình Minh, Tự Nhiên – Phương Trù, Văn Nhân – Đông Ninh, Xâm Hồng – Xâm Dương… thường xuyên có tình trạng chở quá tải nghiêm trọng.

Tại bến Hồng Vân – Bình Minh, theo giấy tờ đăng ký mở bến, cả hai đầu bến (đầu bến Hồng Vân thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội; đầu bến Bình Minh thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đều là "bến khách ngang sông". Phương tiện thủy dùng để chở khách có hình dạng phà một lưỡi, nhưng thiết kế thực tế chủ yếu phù hợp với chở người, xe hai máy và ô tô con. Bởi, phần cabin lái (ở phía cuối phà) không có chiều cao 1 - 2 m như các phà thông thường mà chỉ cao hơn khoang chở khách 20 cm. Người điều khiển phương tiện dù đứng để điều khiển phương tiện thủy nhưng đều bị che khuất tầm nhìn phía trước bởi xe tải...

Thế nhưng, bến Hồng Vân – Bình Minh đề biển chỉ dẫn là "bến phà", được phép chở ô tô và hầu như ngày nào cũng trong tình trạng chở quá tải. Nhiều người không khỏi hãi hùng khi chứng kiến những chuyến phà tại bến này chất kín ô tô, bất kể tải trọng, kích thước ô tô. Thông tin trên phương tiện thủy ghi số lượng chở không quá 2 ôtô 3,5 tấn, nhưng nhiều chuyến có 4 - 6 xe tải, có xe trọng tải trên 5,5 tấn, với chiều cao thùng xe che kín tầm nhìn của người điều khiển phương tiện thủy... Trong khi tuyến đường thủy sông Hồng thường xuyên có tàu chạy dọc tuyến.

Tìm hiểu cho thấy, bến khách ngang sông Hồng Vân – Bình Minh có vị trí tại Km154+800 sông Hồng (đầu bến Hồng Vân, thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội; đầu bến Bình Minh thuộc xã Hồng Vân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Phương tiện thủy dùng để chở khách từ đầu bến Hồng Vân là phà một lưỡi, biển số HN – 1599, HN – 1577, HN – 0404 (còn có một phà khác neo đậu tại bến đầu Bình Minh không gắn biển số đăng ký, đăng kiểm). Trên các phà này đều không dán tem đăng kiểm theo quy định. Trên phương tiện HN-1599 ghi dòng chữ "2 xe ô tô tải loại 3,5 tấn, 10 xe hai bánh – 50 người"; trên phà HN - 0404 ghi "49 người, 2 ô tô", được hiểu là phà có sức chở như trên.

Còn theo thông tin của phóng viên, phà HN-1599 có công suất 63CV, sức chở 48 khách và 30,35 tấn hàng); phà HY – 0404 có công suất 50CV, sức chở 49 khách và 23,2 tấn hàng. Tại đầu bến Hồng Vân, trên đường dẫn vào bến có ghi "phà được phép chở ô tô"; còn đầu bến Bình Minh lắp biển báo cấm xe quá 3,5 tấn.

Quan sát cho thấy, mỗi đầu bến do một chủ bến đăng ký, làm thủ tục mở bến và chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, vận hành. Phương tiện qua phà (đều không được chủ đò phát vé, phiếu thu tiền) tại đầu bến xuống.

Theo đăng ký mở bến khách ngang sông, các bến khách ngang sông nói trên đều có danh sách từ 2- 3 thuyền viên, nhưng thực tế các phà đều chỉ có một người lái và trên bờ có một người khác thu tiền phương tiện, hầu như không có nhân viên hướng dẫn cho người, phương tiện lên, xuống phà nên các phương tiện ô tô, xe máy lên xuống tùy tiện và nguy hiểm.

Trong khi đó, Thông tư số 22/2014 của Bộ GTVT (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý, khai thác và kinh doanh bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi dùng để chở hành khách và ô tô qua sông) quy định phải có nhân viên hướng dẫn cho phương tiện lên xuống, cũng như quy trình lên, xuống phà để đảm bảo an toàn.

Theo thông tin của phóng viên, chủ bến khách ngang sông Hồng Vân là ông Trần Danh Đán, bến Bình Minh là ông Phan Khắc Cảnh. Để làm rõ trách nhiệm trong việc khai thác, vận hành các đầu bến phà trên, phóng viên vài lần đến các bến trên nhưng không gặp được chủ bến, còn nhân viên (thu tiền khách qua phà) ở cả hai đầu bến đều từ chối tiếp xúc, trả lời.

Còn ông Lê Hùng Cường, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), sau khi tiếp nhận thông tin phóng viên phản ánh, cho biết chính quyền xã sẽ kiểm tra, nhắc nhở đối với bến Bình Minh.

Về phía Sở GTVT Hưng Yên, một cán bộ của Sở cho biết, hiện việc cấp phép, thu hồi giấy phép bến khách ngang sông đã được bàn giao cho UBND cấp huyện, nên huyện có trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động của bến trên địa bàn.

Còn ông Phạm Đức Quang, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hưng Yên cho biết, hiện Thanh tra Sở GTVT Hưng Yên không được trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm của bến khách ngang sông trên địa bàn. "Ban Điều hành vận tải và kiểm tra tải trọng xe" (trực thuộc Sở GTVT Hưng Yên) là đơn vị kiểm tra hoạt động vận tải của bến khách ngang sông trên địa bàn. Khi phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản vụ việc, sau đó gửi đến Thanh tra Sở GTVT để kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính thì mới xử lý vi phạm", ông Quang cho biết.

Bến khách ngang sông Tự Nhiên - Phương Trù, Văn Nhân - Đông Ninh cũng thường xuyên trong tình trạng chở vượt quá số lượng ô tô, gây nguy hiểm cho khách qua phà

Bến khách ngang sông Tự Nhiên - Phương Trù, Văn Nhân - Đông Ninh cũng thường xuyên trong tình trạng chở vượt quá số lượng ô tô, gây nguy hiểm cho khách qua phà

Không riêng bến Hồng Vân – Bình Minh, thực tế tại các bến khách ngang sông Hồng khác nối Hà Nội – Hưng Yên như Xâm Dương - Dương Liệt, Tự Nhiên – Phương Trù (nối huyện Thường Tín, Hà Nội và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), Văn Nhân – Đông Ninh (nối huyện Phú Xuyên, Hà Nội và Khoái Châu, Hưng Yên) cũng trong tình trạng thường xuyên chở quá tải và không bố trí đầy đủ thuyền viên, nhân viên để khai thác bến khách ngang sông đảm bảo an toàn theo quy định. Tình trạng này vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải khách ngang sông, gây nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy.

Huy Lộc - Minh Tùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/video-hai-hung-ben-khach-tren-song-hong-cho-qua-tai-xem-thuong-tinh-mang-hanh-khach-183240924115522964.htm