Hai mặt của 'tấm huân chương' năng lượng

Hai nguyên tắc vật lý đơn giản, 'Thế năng có thể biến thành động năng' và 'Động năng có thể biến thành điện năng', đã làm cho loài người tột độ hứng khởi.

Nhà máy Thủy điện Baixo Iguacu ở Brazil

Nhà máy Thủy điện Baixo Iguacu ở Brazil

Họ tràn đến mọi con sông con suối, đắp đập ngăn dòng, tạo hồ chứa, thi đua lập kỷ lục “thế năng” cho các nguồn nước của mình rồi đặt dưới các kỷ lục “thế năng” ấy bao nhiêu turbine thủy điện, xả nước xuống chúng, làm ra nguồn điện năng vĩ đại, khiến cho bộ mặt của thế giới văn minh sáng trưng lên hàng thế kỷ nay.

Tổ hợp thủy điện và thủy lộ trên sông Colombia ở Mỹ đáp ứng tới 80% nhu cầu điện năng vùng Đông - Bắc Mỹ, giúp vận chuyển hơn 17 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Tổ hợp Thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Hoa cấp điện cho các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây; kéo luôn đến tận Trung Khánh, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Thượng Hải...; mà mỗi tỉnh của Trung Hoa bằng hoặc to hơn cả một nước trung bình khác.

Thủy điện cũng sinh ra tới 99% điện năng cho Na Uy, 83% cho Iceland, 70% ở Canada và 67% ở Áo...

Loài người lấy làm sung sướng mấy đời nay vì thủy điện rẻ, sạch, lại còn vì nó giúp cải thiện giao thông, chủ động tưới tiêu, điều tiết lũ lụt...

Thế rồi dần dà, ngoài cái mặt sáng trưng của “chiếc huân chương” thủy điện kia, người ta còn thấy cả mặt tối của nó. Vì nó, trong 100 năm qua, 472 triệu người đã phải di dời khỏi quê hương bản quán vì mất hết sinh kế cổ truyền (bạn hãy thử tưởng tượng, khi ta phải di dời và trả lại đời sống bình thường cho 2/3 số dân Đông Nam Á, hệ lụy sẽ ra sao?); hệ cân bằng sinh thái bị phá vỡ, vùng hạ lưu các con sông thủy điện dễ sinh ra cả ngập lụt lẫn hạn hán, xói lở và động đất tăng vụt...

Ví dụ, ngay khi xây xong đập Thủy điện Tucurui trên sông Amazon, sản lượng đánh bắt cá nước ngọt ở Brazil đã giảm đi 60%, dân chúng vùng hạ lưu sông này nghèo đi trông thấy vì mất nguồn thủy sản và đất canh tác bị chìm ngập. Cái lợi vì có điện, hóa ra không thể thay thế cho “muôn mặt đời thường” của họ được.

Đập thủy điện trên sông Mekong

Đập thủy điện trên sông Mekong

Ví dụ, sau nửa thế kỷ xây dựng thủy điện trên sông Dương Tử, riêng năm 2017 đã có tới 776 trận động đất bên sông, tăng 60% so với năm 2016. Và, tổng số các trận động đất trong vùng đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn 2003-2009. Loài cá tầm sông này cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ví dụ, các chất bồi lắng trong lòng các con hồ thủy điện đã làm giảm đi rất đáng kể khả năng tích nước của các con hồ này, lại còn khiến chúng “ăn chặn” phù sa của toàn bộ vùng hạ lưu. Và, khi buộc phải mở các cửa xả đập thủy điện do lũ lớn, từ phía dưới đập trở đi, cát sỏi, sự phì nhiêu và môi sinh còn lại đã bị cuốn trôi ra biển. Lòng sông trơ ra, có khi tới tận tầng đá gốc... Những dòng sông sẽ chỉ còn là những chiếc “máng sành”, không hơn không kém. Dân chúng vùng hạ lưu khốn khổ vì mất hết nguồn thủy sinh vốn đã nuôi nấng họ vạn nghìn năm. Còn đồng đất của họ thì trở nên cằn cỗi vì thiếu phù sa...

Thì đấy, chỉ vì 94 con đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong, trong đó có 6 con đập của Trung Hoa, 11 con đập của Lào... (đã xây dựng) thì cả Campuchia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long của ta đã sụt giảm nghiêm trọng lượng nước ngọt, phù sa, thủy sản và nguy cơ ngập mặn đã hiển hiện trước mắt một cách trầm trọng và lâu dài. Mũi Cà Mau của ta không còn phù sa để mỗi năm “dài ra” 100m như trước nữa.

Giáo sư Marvin Ott (Mỹ) viết: “Các con đập trên sông Mekong có ý nghĩa chiến lược vì chúng cho Trung Hoa quyền quyết định sự sống hay cái chết đối với các nền kinh tế ở hạ nguồn, trên cả vùng lục địa Đông Nam Á”. Các chuyên gia tính rằng, đến năm 2030, tổng thiệt hại thủy sản của vùng hạ lưu sông Mekong sẽ từ 550.000 tấn đến 880.000 tấn; lượng chất đạm động vật ngoài thủy sản có nguy cơ bị mất đi mỗi năm tương đương với 110% lượng chất đạm động vật do chăn nuôi hằng năm hiện nay của cả Campuchia và Lào. Ấy thế mà, dân số vùng này ngày càng tăng mới chết chứ! Chỉ riêng thiệt hại về thủy sản, mỗi năm vùng này sẽ mất từ 200 triệu đến 476 triệu USD. Cùng với đó là sự biến đổi quy luật tự nhiên đồng thời gia tăng cuộc chiến tranh chấp nước ngọt giữa các quốc gia, các vùng miền liên quan. Sự thiệt hại và nỗi bất an, bất ổn ấy, chưa ai lường hết được.

Nhà máy Thủy điện Hamilton, Ohio, Mỹ

Nhà máy Thủy điện Hamilton, Ohio, Mỹ

Vâng! Thủy điện, phong điện, nhật điện quả có “sạch” hơn nhiệt điện về sự phát thải khí, khói, bụi độc hại, nhưng bảo là chúng “xanh” hơn nhiệt điện thì chưa chắc. Chúng lấy đi sự “xanh” của chúng ta bằng những cách khác (như đã nói về thủy điện ở phần trên). Điện hạt nhân thì cũng đã có bao nhiêu hội thảo rồi, bao nhiêu hiểm họa rồi.

Ta hãy cùng nhau nhớ lại cái định luật “chưa thấy sai ở đâu”, đó là “Định luật Bảo toàn năng lượng: Năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Đừng quá mong chờ vào sự thần kỳ và hăng hái thái quá nữa! Hãy khôn ngoan! Hãy tôn trọng tự nhiên!

Lật đi lật lại “tấm huân chương” năng lượng, có lẽ phải là việc hằng ngày của mọi chính phủ, mọi nhà khoa học trong cõi tự nhiên này. Châu Âu có kỳ vọng và đang cố làm cho 2.500km sông của họ trở lại “thuở hồng hoang” - thuở chưa có thủy điện. Đức, Pháp và các nước châu Âu khác đã phá đi hàng nghìn con đập họ đã từng xây trên các dòng sông ấy. “Xây” và “phá bỏ” đều là việc của con người. “Xây” cái gì, “phá bỏ” cái gì, lúc nào, đều ở chúng ta cả.

Có lẽ, khi sự tiết giảm “văn minh vọng” và nhu cầu tiêu dùng, sự khiêm tốn trước tự nhiên của con người quay trở lại, chúng sẽ cứu rỗi chúng ta chăng?

Hãy đợi cho đến khi “Định luật Bảo toàn năng lượng” không còn đúng nữa, chăng?

Đỗ Trung Lai

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hai-mat-cua-tam-huan-chuong-nang-luong-598774.html