Hải Phòng ban hành 2 tiêu chí và 12 chỉ báo để lựa chọn sách giáo khoa mới
UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Theo thông tin từ Sở GDĐT Hải Phòng, UBND Thành phố vừa ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đảm bảo 2 tiêu chuẩn do Bộ GDĐT quy định tại Thông tư 01/2020, bao gồm: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng và phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương.
Cụ thể, 2 tiêu chuẩn của Bộ GDĐT quy định được Tp. Hải Phòng quy định thành 2 tiêu chí và 12 chỉ báo.
Trong đó, tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng gồm 9 chỉ báo.
Với tiêu chí về nội dung: (1) Nội dung của sách giáo khoa nhằm đạt được kết quả đầu ra đã quy định của cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình/kế hoạch của nhà trường. (2) Nội dung của sách giáo khoa xen kẽ kiến thức với các hoạt động thực hành, chú trọng các kỹ năng thực hành, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, có hướng mở để giáo viên có thể dễ dàng cập nhật tri thức mới hoặc tích hợp liên môn thành chủ đề tích hợp trong quá trình dạy học. (3) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Tiêu chí về phương pháp, hình thức dạy học: (4) Giáo viên có thể linh hoạt sử dụng được nhiều phương pháp dạy học tích cực (giải quyết vấn đề, tự phát hiện, trải nghiệm, …) kết hợp cùng phương pháp, hình thức dạy học truyền thống. (5) Giáo viên có thể thiết kế giáo án thể hiện sự phân nhánh, có sự phân hóa theo trình độ và năng lực của người học, có thể sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thiết kế kế hoạch dạy học
Tiêu chí về kiểm tra, đánh giá: (6) Các hoạt động trong sách giáo khoa có tính tương tác cao: Người học có thể tự đánh giá quá trình học tập và kết quả học tập của bản thân đồng thời tham gia được vào quá trình đánh giá lẫn nhau. (7) Giáo viên và người học có thể đánh giá được quá trình học tập cũng như sản phẩm học tập trên cơ sở phân hóa đối tượng, tiếp cận năng lực người học.
Tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học: (8) Nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thể hiện qua sách giáo khoa và thiết kế dạy học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường hiện tại hoặc phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường và của địa phương.
Tiêu chí về sản phẩm giáo dục: (9) Tri thức người học có được từ sách giáo khoa có khả năng áp dụng cao trong thực tiễn, phát huy được sự tìm tòi để người học có kỹ năng tìm kiếm thông tin mà không chỉ lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Việc lựa chọn SGK phải đáp ứng tiêu chí thứ 2 là phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương.
Tiêu chí này được cụ thể thành 3 chỉ số gồm, (10) Có nhiều nội dung gần gũi hoặc tương đồng với văn hóa, bản sắc truyền thống, lịch sử, địa lý của thành phố hoặc của địa phương. (11) Cấu trúc nội dung sách giáo khoa tạo cơ hội để người dạy có thể bổ sung những nội dung phù hợp với lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, phong tục tập quán của địa phương nói riêng và của thành phố nói chung. (12) Các nội dung về kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, … phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc của thành phố.
Căn cứ theo hướng dẫn này, các cơ sở giáo dục phổ thông lên kế hoạch lựa chọn SGK sử dụng trong năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Thông tư sẽ là căn cứ để các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT mới, các tổ chức và cá nhân có liên quan lựa chọn SGK sử dụng trong cơ sở GDPT.
Trong đó, quy định mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu SGK. Việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.
Hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Thành viên hội đồng gồm, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Người đã tham gia biên soạn SGK hoặc tham gia thẩm định SGK do các nhà xuất bản tổ chức, tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK và người làm việc ở các nhà xuất bản có SGK không được tham gia Hội đồng.
Hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn SGK theo quy định, đề xuất danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với người đứng đầu cơ sở GDPT; và sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quy trình lựa chọn SGK gồm 4 bước chính, trước khi người đứng đầu cơ sở GDPT công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong cơ sở GDPT.