Hải Phòng: Hơn 30 năm 'đi tìm' biểu tượng thành phố

Từ năm 1992 - 2016, qua 5 lần tổ chức thi sáng tác, Hải Phòng vẫn chưa tìm ra mẫu biểu tượng của thành phố. Từ tháng 3/2022, lần thứ 6, Hải Phòng tiếp tục phát động cuộc thi. Rút ra bài học từ kinh nghiệm của những lần trước, lần này, Hải Phòng tổ chức bài bản, phát động rộng rãi hơn, chặt chẽ, thu hút đông đảo hơn những nghệ sĩ có nghề tham gia sáng tác mẫu biểu tượng thành phố.

5 lần tổ chức... đều không tìm ra biểu tượng

Cuộc thi lần thứ nhất được phát động vào tháng 8/1992, lần thứ 2 vào tháng 7/1999, lần thứ 3 vào tháng 6/2000, lần thứ 4 vào tháng 5/2007; lần thứ 5 là tháng 8/2015. Cả 5 lần tổ chức thi sáng tác, Hải Phòng đều có các thành viên Hội đồng Giám khảo là Hội Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Việt Nam. Thậm chí có lần Hải Phòng đã đặt hàng tới 30 họa sỹ do Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu. Nhưng đến nay, Hải Phòng vẫn chưa tìm được biểu tượng, thậm chí có những tác phẩm chỉ đạt tới biểu trưng.

 5 tác phẩm đi tiếp vào vòng Chung khảo.

5 tác phẩm đi tiếp vào vòng Chung khảo.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức lần thi thứ 5: Qua 4 lần thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố, rất ít tác phẩm có tính sáng tạo, phần nhiều còn hời hợt không rõ bản sắc con người, vùng đất Hải Phòng trong tác phẩm. Các mẫu sáng tác biểu tượng dự thi chỉ cách điệu Hoa Phượng, chưa xác định được thành phố Hải Phòng xuất phát là một địa danh gắn với lịch sử có vị thế về kinh tế của miền Bắc, ý tưởng sáng tác thiếu hình tượng biểu đạt hình hài, cốt cách, bản sắc truyền thống thành phố Cảng biển nước sâu và kết hợp hài hòa hình tượng Hoa Phượng Đỏ; Khi các mẫu sáng tác được Hội đồng Giám khảo tuyển chọn, báo cáo Ban Tổ chức cuộc thi để triển lãm trưng cầu xin ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân bằng phiếu thăm dò, nhưng cũng rất ít người có chính kiến, chỉ xem và chê...

Đến lần thứ 5, tưởng chừng đã thành công. Bởi cuộc thi có 239 mẫu tham gia, có 3 mẫu vào “chung kết”. Sau khi chỉnh sửa, “nâng cấp”, nhưng đến khi đưa 3 mẫu ra lấy ý kiến nhân dân cũng chỉ đạt 40% đồng ý. Và thêm vài lần chỉnh sửa, mẫu vào đến vòng cuối đưa ra lấy ý kiến công chúng đã đạt tỷ lệ 92% người ủng hộ (trong khi kinh nghiệm qua 4 lần tổ chức cho thấy chỉ cần đạt đến 80% số phiếu phát ra ủng hộ là thành công). Như vậy, tưởng chừng tác giả sẽ đạt giải nhất và được lĩnh... 50 triệu tiền thưởng. Nhưng, cho đến nay, tháng 8/2023, số tiền 50 triệu ấy cũng không thể trao cho người đạt “giải nhất”, vì Ban Tổ chức phát hiện tác giả đã vi phạm quy chế thi, điều lệ giải.

Một số mẫu biểu tượng được thử in trên chất liệu gốm sứ.

Một số mẫu biểu tượng được thử in trên chất liệu gốm sứ.

Điều đó cho thấy, để tìm được hình mẫu biểu tượng cho thành phố Hải Phòng là con đường... đầy trí tuệ, rất khó khăn, gian nan. Một họa sĩ nổi tiếng nói rằng: “Người Hải Phòng phóng khoáng nhưng không dễ dãi”, quả cũng không sai.

Lần thứ 6 đầy trăn trở và hy vọng

Chia sẻ về cuộc phát động thi sáng tác biểu tượng TP Hải Phòng lần thứ 6 (2023), ngày 11/8/2023, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: Trước khi phát động cuộc thi lần thứ 6, Ban Tổ chức đã họp bàn, xây dựng kế hoạch, chương trình rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

Bắt đầu là xây dựng bộ phim nói về mảnh đất, con người Hải Phòng với chiều dài xuyên suốt nhiều thế kỷ. Đến tháng 3/2022, UBND TP Hải Phòng bắt đầu phát động cuộc thi ở Hải Phòng, sau đó đến Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bộ phim không chỉ được phát trên hệ thống mà điểm đến là để các nghệ sĩ cả nước xem nhằm cho họ hiểu, yêu hơn mảnh đất, con người Hải Phòng đã trải qua chiều dài lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành. Đồng thời, Ban Tổ chức xây dựng quy chế, điều lệ giải. Khác với 5 lần thi trước, lần thứ 6 quy định: Mẫu biểu tượng được HĐND TP Hải Phòng thông qua là biểu tượng mới đạt là giải nhất và được thưởng 500 triệu đồng (chỉ có giải nhất được chọn làm biểu tượng, không có giải nhì, hay ba).

Tác phẩm Bà Nữ tướng Lê Chân phải dừng lại ở tốp 10 tác phẩm.

Tác phẩm Bà Nữ tướng Lê Chân phải dừng lại ở tốp 10 tác phẩm.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Đó cũng là bài học của những lần trước, thể hiện sự tôn trọng những sáng tác đầy trí tuệ của tác giả, của các nghệ sĩ. Bởi biểu tượng không chỉ được thể hiện trong nước, còn mang đi nước ngoài và còn có tính lịch sử”.

Vị đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cũng chia sẻ: "Những nghệ sĩ tham gia, họ thực sự yêu mến Hải Phòng, vì chỉ khi lọt vào tốp 10, tác giả mới được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng, trong khi chỉ cần một bức tranh, nghệ sĩ có thể bán tới hàng nghìn đô la".

Vì vậy, đến tháng 10/2023, cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng Hải Phòng đã thu hút được 992 tác phẩm- nhiều hơn tất cả 5 cuộc thi trước. Trong đó có 1 tác phẩm của tác giả người nước ngoài.

Tiếp đến, Hải Phòng tìm mời thành viên hội đồng nghệ thuật, ban giám khảo với 9 nghệ sỹ trong giới mỹ thuật toàn quốc. Họ đều là những họa sĩ tên tuổi của cả nước, người đứng đầu ngành mỹ thuật, hội họa của các tỉnh, thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, hoặc hiệu trưởng trường đại học mỹ thuật...

 In thử một số mẫu biểu tượng đã lọt vào chung khảo trên chất liệu kim loại.

In thử một số mẫu biểu tượng đã lọt vào chung khảo trên chất liệu kim loại.

Chính vì vậy, với 992 tác phẩm của các tác giả ở cả 63 tỉnh thành, qua vòng sơ khảo đã bị loại ra còn 125 tác phẩm, rồi còn 10 tác phẩm, tiếp đến còn 5 tác phẩm. Ngay như tác phẩm Nữ tướng Lê Chân cũng phải dừng bước ở vòng 10 tác phẩm, một lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tâm sự: "Đến ngay họa sĩ Lê Huy Tiếp, một họa sĩ tên tuổi ở Việt Nam, có những tác phẩm bán đến hàng nghìn đô la cũng chỉ vì yêu mến Hải Phòng mà bỏ công sức đến hơn 10 ngày ra chấm, loại. Có những mẫu bị loại, ai xem rồi cũng phải tiếc".

Qua các vòng chấm và lấy ý kiến nhân dân, Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 5 tác phẩm đi tiếp vào vòng chung khảo lần 1. Để khách quan trong việc chọn lựa tác phẩm phù hợp nhất với tiêu chí cuộc thi, Ban Tổ chức xin ý kiến nhân dân qua hình thức lấy phiếu (khoảng 1000 - 2000 phiếu), ý kiến đánh giá, bình chọn từ nhiều tổ chức chính trị, xã hội, như: Hội tướng lĩnh thành phố; các đồng chí cốt cán qua các thời kỳ trong CLB Bạch Đằng… về những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.

Trên cơ sở ý kiến từ nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, Ban giám khảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất ra 1 tác phẩm. Ngay tác phẩm duy nhất được đề xuất cũng phải tiếp tục trải qua lấy phiếu ý kiến của nhân dân, sau đó còn phải thông qua HĐND thành phố là những đồng chí đại diện cho nhân dân. Và chỉ khi HĐND đưa ra nghị quyết công nhận tác phẩm đó thực sự được làm biểu tượng TP Hải Phòng, lúc đó mẫu chính thức mới đạt đến biểu tượng Hải Phòng, có nghĩa đạt giải nhất và nhận thưởng 500 triệu đồng. Do vậy, có thể không có giải nhất. "Cho nên có được tác phẩm mỹ thuật mang tính biểu tượng TP Hải Phòng thật sự trí tuệ, gian nan, nhưng mong rằng lần này sẽ có biểu tượng", bà Trần Thị Hoàng Mai tâm sự.

Vũ Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/hai-phong-hon-30-nam-apos-di-tim-apos-bieu-tuong-thanh-pho-1094590.html