Hải Phòng: Nghề nuôi cá song vua ở Cát Bà có nguy cơ biến mất
Những con cá song vua 'khủng' được cánh lái buôn quảng cáo đánh bắt ngoài tự nhiên thực tế được nuôi tại các lồng bè ở đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.
Chế độ ăn uống “vương giả”
Một ngày đầu tháng 11/2023, chúng tôi có mặt tại khu vực lồng bè nuôi cá của gia đình anh Bùi Văn Luyện trên vịnh Lan Hạ thuộc Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Đến giờ ăn, những con cá song vang (còn được người dân địa phương gọi là song vua) lừng lững như tấm phản há cái mồm rộng cỡ chậu nước rửa mặt nuốt gọn những con cá làm mồi cỡ 0,5 kg.
Vừa thoăn thoắn đôi tay cho cá ăn, anh Bùi Văn Luyện vừa tranh thủ chia sẻ với Người Đưa Tin, nghề nuôi cá lồng bè ở Cát Bà có từ khoảng hơn 20 năm trước. Trong số những loài cá người dân ở đây nuôi, nổi tiếng nhất là cá song vua với trọng lượng “khủng”. Do nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên rất hiếm, thêm nữa, mỗi ô lồng bè chỉ nuôi được một vài con, nên mỗi hộ chỉ có điều kiện nuôi một vài con vừa để “trấn” bè, vừa chờ đợi khách đặt mua.
Theo anh Luyện, từ khi mua cá song vua giống đánh bắt ngoài tự nhiên có trọng lượng 1 - 3 kg/con, tùy vào chế độ chăm sóc cũng như thích ứng môi trường nuôi, trong vòng 8 - 10 năm, cá có thể đạt trọng lượng lên tới 40 kg đến hơn 100 kg. Do cá ưa vận động, lại nuôi hoàn toàn bằng cá mồi, nên chất lượng thịt bằng khoảng 90% so với cá sinh sống trong môi trường hoang dã.
So với các loài cá khác, cá song vua có chế độ ăn uống rất “vương giả”. Cá mồi phải tươi, to vì cá mồi nhỏ chỉ đủ cho chúng “nhét kẽ răng”. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi, nếu cá có dấu hiệu bị bệnh ngoài ra, cần phải đưa lên “cáng” để tắm nước ngọt trị bệnh. Khó khăn nhất đối với người nuôi là tìm kiếm nguồn cá giống hoàn toàn đánh bắt ngoài tự nhiên. Đến nay, các cơ sở ương nuôi mới chỉ tạo được giống cá lai giữa cá song vua với cá song khác.
Có thời điểm lên tới 2 triệu đồng/kg
Hơn 7 năm trở về trước, cá song vua có giá bán tại lồng bè lên tới 2 triệu đồng/kg. Thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến đầu ra bị “tắc”, giá giảm còn 500.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá bán tăng trở lại, lên 1 triệu đồng/kg, cao gấp hơn 3 lần so với các loại cá song nuôi khác.
Do giá bán cao, trọng lượng “khủng”, nên cá song vua rất kén khách. Tháng nào may mắn, anh Bùi Văn Luyện mới bán được 2 - 3 con. Khách đặt mua toàn đại gia phục vụ tiệc sinh nhật, liên hoan công ty, lên nhà mới, đám cưới… Bởi, ít người có điều kiện mua những con cá có giá vài chục tới cả trăm triệu đồng để ăn chơi.
“Năm 2015, tôi bán con cá song vua lớn nhất trong bè của mình có trọng lượng lên tới 110 kg với giá 2 triệu đồng/kg cho một đại gia đến từ tỉnh Quảng Ninh làm tiệc sinh nhật đãi hơn 200 khách.
So với các loại cá khác, thịt cá song vua dai, quánh, thơm ngon hơn hẳn. Độc đáo và ngon nhất là bộ da cá. Những con cá cỡ 40 - 50 kg trở lên, lớp da có độ dày lên tới 5 - 7 cm. Bên cạnh đó, bộ lòng cá, nhất là phần dạ dày, cũng rất ngon. Nếu chỉ dùng món cá, trung bình mỗi thực khách 0,4 - 0,5 kg, thì con cá song vua đủ ăn cho hơn 100 người”, anh Luyện chia sẻ.
Đếm ngược chờ ngày biến mất
Theo tìm hiểu, ít vùng nuôi thủy sản trên biển nào có đàn cá song vua to, nhiều như ở đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Đây là không chỉ là sự độc đáo, mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương, điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 05 của HĐND Tp.Hải Phòng, từ năm 2021, chính quyền huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng thực hiện việc cắt giảm và sắp xếp lại số lồng bè. Đồng thời, giảm số ô lồng bè của các hộ xuống chỉ còn 16 ô lồng bè/hộ. Vì thế, hầu hết trong số gần 100 hộ nuôi cá lồng bè ở Cát Bà đã bán số cá song vua để dành chỗ nuôi các loại cá khác.
Trước tình hình này, với mong muốn giữ lại đàn song vua, anh Bùi Văn Luyện đã bỏ tiền thu gom gần 200 con cá song vua để tiếp tục vỗ béo chờ khách đặt mua. Với trọng lượng mỗi con từ 25 đến hơn 70 kg với mức giá gần 1 triệu đồng/kg, số tiền anh Luyện bỏ ra để sở hữu đàn cá “khủng” không dưới 5 tỷ đồng.
Do nguồn giống trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, số ô lồng nuôi giảm, và cũng vì hiệu quả kinh tế, nên người nuôi cá lồng bè ở Cát Bà không có điều kiện tiếp tục nuôi cá song vua. Vì thế, đến khi anh Bùi Văn Luyện bán hết số cá đã thu mua của các hộ nuôi, có lẽ chuyện về đàn cá song vua “khủng” ở Cát Bà sẽ chỉ còn trong câu chuyện kể của người dân địa phương với sự tiếc nuối, bùi ngùi.