Hải quân Mỹ chính thức khai tử tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard
Sau 9 tháng kể từ khi gặp sự cố hỏa hoạn nghiêm trọng và được đánh giá là không thể khắc phục, ngày 14/4, Hải quân Mỹ đã làm lễ khai tử tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard (LHD 6) tại Căn cứ Hải quân San Diego.
Hải quân Mỹ đã tổ chức lễ ngừng hoạt động đối với tàu USS Bonhomme Richard (LHD 6), một trong 8 tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp, tại Căn cứ Hải quân San Diego ngày 14/4, sau 22 năm phục vụ.
USS Bonhomme Richard đã trải qua một trận cháy lớn ngày 12/7/2020, khi con tàu đang ở giai đoạn cuối của một cuộc đại tu toàn diện trị giá 250 triệu USD tại Căn cứ Hải quân San Diego. Lửa dường như bắt cháy từ chiếc khăn lau chứa dầu do hoạt động hàn xì trên sàn chứa phương tiện. Sau hơn 4 ngày cháy liên tục, siêu tàu thép khổng lồ trở nên hoang tàn, đổ nát, trở thành đống phế liệu nổi trên biển.
Vụ hỏa hoạn tồi tệ khiến nhiều bộ phận, thiết bị của con tàu thành than; tháp chỉ huy và sàn đáp tan chảy cục bộ, hư hại nặng không thể khắc phục được. Ít nhất 63 thủy thủ và nhân viên dân sự đã bị thương khi tham gia chữa cháy.
Sau khi được đánh giá toàn diện, các nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ quyết định loại biên con tàu và rã sắt vụn, bởi rằng, trong phương án sửa chữa, sẽ mất tới 7 năm thể thực hiện với chi phí tiêu tốn tới 3,2 tỉ USD, trong khi việc tháo dỡ con tàu sẽ mất khoảng 30 triệu USD..
Hôm 30/11/2020, Thủy thủ đoàn của tàu USS Bonhomme Richard được thông báo về quyết định con tàu sẽ bị phế bỏ, Chuẩn đô đốc Eric Ver Hage, chỉ huy Trung tâm Bảo dưỡng Vùng Hải quân, cho biết.
Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Kenneth Braithwaite bày tỏ, việc loại bỏ con tàu là một quyết định “khó khăn”, tuy nhiên, đây là phương án được chấp nhận, bởi chi phí sửa chữa gần bằng giá trị đóng mới một lớp tàu hoàn toàn mơi, có giá khoảng 4,1 tỉ đô la.
Việc tàu USS Bonhomme Richard bị loại biên được nói sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong nhiều năm, bởi sau khi nâng cấp, nó là một trong số ít các tàu có khả năng vận hành F-35B.
Bonhomme Richard là con tàu thứ ba mang tên này. Nó được đặt tên để vinh danh tàu khu trục nổi tiếng của John Paul Jones.
Bonhomme Richard được thiết kế để tham gia các hoạt động đổ bộ của lực lượng thủy quân lục chiến trong các hoạt động tấn công đổ bộ bằng máy bay trực thăng, tàu đổ bộ và xe lội nước, và nếu cần, hoạt động như một tàu sân bay hạng nhẹ.
Diễn văn đọc tại buổi lễ nhấn mạnh lịch sử chinh chiến đầu dấu ấn của con tàu, thủy thủ đoàn và thành quả của họ.
Trong suốt lịch sử của mình, Bonhomme Richard đã thể hiện sức mạnh và duy trì sự hiện diện bằng cách đóng vai trò là nền tảng của các nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ (ARG) hoặc nhóm tác chiến viễn chinh (ESG); phục vụ hoạt động chuyển quân của Đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh (MEU) hoặc Lữ đoàn viễn chinh thủy quân lục chiến (MEB), với sự kết hợp của máy bay và tàu đổ bộ.
Quá trình 22 năm hoạt động, con tàu tham gia nhiều chiến dịch quan trọng trong đó là tàu Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên triển khai ở Tây Thái Bình Dương vào những năm 2000.
Sau khi ngừng hoạt động, Bonhomme Richard sẽ được kéo đến Texas để tháo dỡ.