Hai tập thơ của hai tác giả nữ

Nhà nghiên cứu Châu Thạch cho rằng: 'Đọc Thụy Sơn ta thấy tiếng thơ chính như tiếng chuông. Thanh âm phát ra từ chuông ấy bởi đồng và vàng đúc nên nó. Chuông đó rung lên bởi cánh tay nghệ thuật của con người vừa có đạo hạnh vừa thẩm thấu âm thanh tác động vào, cho nên nó như vừa có linh hồn của thơ vừa có linh hồn của đạo, hòa quyện, âm vang, truyền cảm đến người những cảm xúc thật sự thăng hoa'...

“Trầm tích”, tập thơ của Thụy Sơn (Nxb Hội Nhà văn, 2019) phảng phất phong vị cổ thi, dễ tạo ấn tượng bởi ngôn ngữ và hình đẹp, nhất là ở những đoạn thơ ngắn như: “Tay cầm sợi nắng tay buông gió/ Một gánh vô thường một gánh mây” (Thong dong), hoặc: “Ta về/ chăm ngọn cỏ vườn/ Chờ tâm/ Trổ đóa vô thường/An nhiên/ Mòn đêm/ Chưa thuộc chữ thiền/ Thấy trăng/ Tròn khuyết bên hiên/ giật mình!” (Đóa vô thường).

Nhà nghiên cứu Châu Thạch cho rằng: “Đọc Thụy Sơn ta thấy tiếng thơ chính như tiếng chuông. Thanh âm phát ra từ chuông ấy bởi đồng và vàng đúc nên nó. Chuông đó rung lên bởi cánh tay nghệ thuật của con người vừa có đạo hạnh vừa thẩm thấu âm thanh tác động vào, cho nên nó như vừa có linh hồn của thơ vừa có linh hồn của đạo, hòa quyện, âm vang, truyền cảm đến người những cảm xúc thật sự thăng hoa”.

Nhà thơ Bùi Xuân cũng đồng tình với nhận định trên: Đọc tập thơ Trầm tích của Thụy Sơn, tôi thấy hình như tư tưởng Thiền tông đã từ lâu tỏa hương thơm dịu dàng trong sâu thẳm tâm hồn của tác giả. Vì vậy, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy chị viết nhiều về Thiền, sử dụng rất nhiều ngôn ngữ nhà Phật như: vô thường, nghiệp, tịnh, duyên, luân hồi, sắc, không…”.

“Chín chín nhịp”, thơ Vạn Lộc, (Nxb Hội Nhà văn, 2019) là thi tập khá chọn lọc gồm 99 bài thơ của Vạn Lộc, thể hiện nội lực mạnh mẽ và tinh tế, dào dạt cảm xúc trữ tình, quyện chặt với những suy tư triết luận đậm màu Thiền. Nhà thơ Bằng Việt có lời cảm: “Chín chín nhịp là đóng góp mới trong thơ của tác giả Vạn Lộc, là giỏ quả chín tím mọng cuối thu của một hồn thơ yêu đời trong nỗi đau đời, năng động ngay trong các suy nghĩ đậm chất Thiền, đầy kinh lịch và đầy chiêm nghiệm trong những cảm xúc thơ, tuy có dáng vẻ hồn nhiên, nhưng lại luôn đậm đà sắc thái “ý tại ngôn ngoại” của thể loại Thơ mang hồn cốt cổ kim giao hòa: Chiều gió lộng, mây trời ửng tím/Giọt thơ bay ngọt phía sương ngàn/ Gieo tứ tuyệt đơm mùa chín chín/Nhịp đa mang réo rắt cung đàn”.

Nhà thơ Vương Trọng nói rằng, tránh sự thường tình trong thơ là thái độ đáng trân trọng của tác giả Vạn Lộc. Người mới làm thơ thường hướng tới cái đích là thơ có thể đăng báo được, nhưng với người đã từng có thâm niên thi ca, thì tránh sự thường tình. Khi đặt tên tập thơ “Chín chín nhịp”, là tác giả đã thể hiện ý thức đó. Ta từng quen nhịp cầu, nhịp bước, nhịp tim… hình như tác giả cũng đã lướt qua các từ này rồi dừng lâu hơn ở nhịp tim, trước khi gọi mỗi bài thơ Tứ tuyệt của mình là mỗi “nhịp đa mang”. Vâng, mỗi bài thơ là một nhịp cảm xúc về gia đình, người thân và đặc biệt là trước các trạng thái tình yêu như chia ly, gặp gỡ, đợi chờ…Với Tứ tuyệt, thất ngôn là một thể thơ nhiều người sử dụng, bởi thể thơ này dễ hàm chứa chất cổ điển của Tứ tuyệt: Người đi buổi ấy sương vừa xuống/ Ngõ nhỏ hoàng hôn lá rụng đầy/ Sao hôm, nhân chứng tình ta muộn/ Bịn rịn chân cầu sương khói vây (Tiễn).

Nhìn chung, những năm gần đây, văn học Đà Nẵng vẫn còn khá trầm lắng, thiếu nhân tố mới, gương mặt mới. Riêng trong năm 2019, số lượng tác phẩm của các tác giả đăng ký tham gia xét giải văn học lại càng ít hơn so với những năm trước.

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng chia sẻ: Năm 2019 là năm tuy không có nhiều tác phẩm tham gia dự giải của Hội Nhà văn thành phố như những năm trước, nhưng những tác phẩm dự giải có thể nói đều là những tác phẩm tâm huyết, được các tác giả đầu tư công phu trong nhiều năm sáng tác, có nhiều ý tưởng mới trong nội dung cũng như hình thức nghệ thuật thể hiện. Có thể kể như hai tập thơ của hai nhà thơ nữ "Chín chín nhịp" của tác giả Vạn Lộc và "Trầm tích" của Thụy Sơn được đề nghị tặng giải thưởng là những tác phẩm như vậy. Đó là những tác phẩm được dư luận bạn đọc quan tâm chú ý trong năm qua.

Trần Trung Sáng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hai-tap-tho-cua-hai-tac-gia-nu-93561.html