Hải trình Trường Sa - Bài 2: Cảm xúc đọng lại

Sau 7 ngày với hải trình 1.200 hải lý (2.200km) đến với Trường Sa thân yêu là những kỷ niệm không bao giờ quên trong tâm khảm mỗi chúng tôi. Những cảm xúc hỗn độn, cảm phục trước quyết tâm vượt qua mọi gian khổ của những người lính biển,… rồi lại vỡ òa khi thấy biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang thay đổi từng ngày, khi nghe tiếng trẻ thơ vui đùa vang vọng khắp đảo xa.

Sau 7 ngày với hải trình 1.200 hải lý (2.200km) đến với Trường Sa thân yêu là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với mỗi chúng tôi. Những cảm xúc hỗn độn, cảm phục trước quyết tâm vượt qua mọi gian khổ của những người lính biển,… tự hào khi thấy biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang thay đổi từng ngày và hạnh phúc khi nghe tiếng trẻ thơ vui đùa vang vọng khắp đảo xa.

Trở về đất liền sau 7 ngày với hải trình hơn 1.200 hải lý (2.200km), từ Cam Ranh (Khánh Hòa) tới đảo Song Tử Tây – Sinh Tồn – Đá Tây A – Trường Sa – Nhà giàn DK1 rồi ngược về Đà Nẵng, tôi bất chợt nghe thấy đâu đó trong tiếng gió biển, trong tiếng sóng rì rào là tiếng những em thơ trên đảo Song Tử Tây.

Đảo Song Tử Tây hôm chúng tôi đặt chân tới nắng chói chang, bầu trời không một gợn mây, xanh ngắt hòa vào làm một với màu biển. Tại cột mốc chủ quyền, cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh.

Chiến sĩ Nguyễn Trọng Thịnh nước da sạm nắng, dáng vẻ hiên ngang, vững chắc tay súng canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mặc kệ mồ hôi đã chảy thành dòng ướt sũng lưng áo. Phía bên trong trước cửa hội trường, dưới gốc cây tra, 5, 6 em nhỏ mặc áo cờ đỏ sao vàng vừa vỗ tay theo nhịp, vừa đọc thơ về đảo Song Tử Tây khoe với chúng tôi.

Trên đảo Đá Tây A, tôi nhớ bát mì tôm vào buổi sáng sớm của các cán bộ, người lao động Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); nhớ buổi trao đổi trong “xưởng cơ khí 0 đồng”, sự nhiệt tình của cán bộ Dương Đình Vinh – người có hơn 15 năm công tác tại đảo Đá Tây A đã dành gần như trọn buổi sáng đưa tôi đi tham quan nhà xưởng, giới thiệu chi tiết từng loại máy móc và công dụng của nó.

Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Nhiên khi về tới đất liền đã có những thời điểm đứng rất lâu trên mạn thuyền, hướng ánh nhìn về phía mặt trời mọc, về phía biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông bồi hồi xúc động khi nhớ lại Lễ chào cờ trang trọng, trang nghiêm được tổ chức trên đảo Trường Sa lớn. Là một người từng tham gia quân ngũ, với ông, kỷ niệm này lại càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn biết bao nhiêu.

Nghiêm! Chào cờ…. Chào! Sau tiếng hô dõng dạc, Quốc ca cất lên oai hùng, vang dội át tiếng sóng biển ngoài xa: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”.

Dưới Quốc kỳ phấp phới kiêu hãnh giữa biển trời, giọng các cán bộ, chiến sĩ vang lên hùng dũng: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin thề…”.

Đọng lại trong tâm trí Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Nhiên còn là Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao với nghi lễ trang nghiêm, xúc động, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 16 đọc bài diễn văn, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Vũ Văn Minh; Phó Chánh án TAND tỉnh Hải Dương Bùi Đăng Huy; Chánh án TAND quận 10, TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Hùng và cả tôi cũng vậy.

Sau lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dành một con hạc giấy, một cành hoa cúc cùng thả xuống biển để tưởng nhớ, ghi nhận công lao của các chiến sĩ, để chiến sĩ yên tâm, yên nghỉ nơi biển đảo xa xôi này. “Buổi thả hoa tưởng niệm rất xúc động, linh thiêng, không ai cầm được nước mắt. Qua đó thấy được những hy sinh, vất vả, mồ hôi xương máu của các chiến sĩ đã quên thân mình để làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta”, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Vũ Văn Minh nhớ lại.

Trong ráng chiều hoàng hôn đỏ ối, giữa cái mênh mông của đất trời, những bông cúc và hạc giấy mang theo sự cảm phục, lòng biết ơn sâu sắc của tất cả những thành viên Đoàn công tác số 16, thành viên Đoàn công tác TAND. Tổ quốc mãi ghi ơn các Anh!

Điểm cuối trong hải trình Đoàn công tác chúng tôi đặt chân tới là nhà giàn DK. Sớm hôm đó biển động, chúng tôi phải chờ rất lâu mới quyết định tiếp cận nhà giàn. Chiếc cano đầu tiên chở đoàn đại biểu từ tàu sang nhà giàn chòng chành giữa biển, nhiều khi như bị nuốt chọn bởi những con sóng dữ cao tới 2-3m.

Để bảo đảm an toàn, Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 16 đã quyết định hạn chế các đại biểu lên nhà giàn, các thành viên còn lại trong đoàn sẽ giao lưu với lính nhà giàn qua máy bộ đàm ở trên đài chỉ huy của Tàu KN390.

Nghe xong thông báo, sự tiếc nuối hiện rõ lên trên khuôn mặt từng thành viên trên tàu bởi trước đó họ háo hức, mong chờ được lên thăm cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Những ánh mắt buồn bã nhìn về phía nhà giàn. Hoài Phương, cô giảng viên trẻ Học viện TAND không nghĩ rằng đã trải qua hành trình hàng trăm hải lý, trong suốt chặng hành trình dài mà giờ đây, chỉ vài trăm bước chân lại không thể lên nhà giàn để ôm lấy từng chiến sĩ. Em nói, em rất buồn.

Trong chuyến công tác lần này, ca sĩ Nguyễn Đông Triều là một người kém may mắn nhất trong những người kém may mắn. Đây là lần thứ 2 anh đến với Trường Sa, song vẫn chưa có duyên với nhà giàn. Anh cảm thấy hối tiếc vì điều đó và mong rằng, sớm có cơ hội trở lại Trường Sa, để một lần được lên nhà giàn, được giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn.

Những bước chân chậm rãi bắt đầu hướng về đài chỉ huy tàu – nơi duy nhất có thể kết nối tình cảm, cảm xúc của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn trong lúc này. Khi bộ đàm được kết nối, ca sĩ Minh Ngọc giọng nuối tiếc: “Em xin chào các anh! Lúc nãy em có lên nhà giàn. Rất tiếc thời gian có hạn, em không thể hát tặng các anh trực tiếp trên nhà giàn được. Em xin gửi tặng các anh ca khúc rất tình cảm, cũng là tình cảm em gửi tới các anh. Ca khúc Sao Biển”. Tiếp đó là ca sĩ Đông Triều với ca khúc “Lính Nhà Giàn Đón Xuân”; cô sinh viên trẻ Phạm Mỹ Duyên (sinh viên năm 2, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) với ca khúc Gần lắm Trường Sa.

Khi tới đoạn điệp khúc:

“Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh

Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.

Giọng Mỹ Duyên ngẹn lại, đôi mắt đỏ vương ngang hàng lệ, mọi người cũng vậy. Sau này nói chuyện với tôi, em bảo em xúc động quá, nước mắt cứ tự ứa ra thôi.

Là người may mắn lên được nhà giàn, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Vũ Văn Minh cho biết, cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã khó khăn, song cuộc sống của các chiến sĩ trên nhà giàn còn khó khăn hơn nhiều. “Ở giữa biển trời, biển nước mênh mông, trên nhà giàn sóng gió rất lớn. Lúc nào gió cũng cấp 5, cấp 6, rất áp lực”, Chánh án Vũ Văn Minh kể lại.

Song, Chánh án Vũ Văn Minh rất bất ngờ và cảm phục trước ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Bởi với điều kiện khắc nghiệt như thế, khó khăn như thế, nhất là nước ngọt, nhưng các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn đã khắc phục được, còn trồng cả rau, nuôi được một số loại gia cầm để cải thiện đời sống vật chất, đời sống tinh thần.

Chuyến đi thăm cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 năm 2023 của Đoàn công tác số 16 đã thành công tốt đẹp. Thông qua chuyến đi, các thành viên trong đoàn công tác có thêm hiểu biết về biển đảo, cảm nhận sâu sắc, tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt trên các đảo, nhà giàn; khâm phục, tự hào và tin tưởng vào ý chí và sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Qua chuyến đi, mỗi thành viên trong đoàn công tác nắm vững thêm về quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển đảo, hiểu biết thêm về cuộc sống khó khăn gian khổ, vất vả của quân và dân trên các đảo, nhà giàn; đều có trăn trở, suy tư và nhận thấy trách nhiệm của mình về nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Vũ Văn Minh rất ấn với bài phát biểu tổng kết cũng như câu nói của Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 16: “Ra đi là niềm tin, đi về là trách nhiệm”.

Với vai trò là Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi sẽ tuyên truyền cho cán bộ 2 cấp tòa án cũng như nhân dân hiểu thêm, yêu thêm về biển đảo quê hương mình, về sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố thêm được niềm tin, tình yêu thương đất nước, niềm tin sâu sắc về lực lượng hải quân của chúng ta, về việc kiên cường, kiên trì bám đảo bảo vệ cho vùng biển chúng ta luôn bình yên, bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản, bảo vệ biển đảo tổ quốc thân yêu của chúng ta” Chánh án Vũ Văn Minh khẳng định.

Phó Chánh án TAND tỉnh Hải Hương Bùi Đăng Huy cũng cho biết,sẽ nhắc nhở các cán bộ Thẩm phán, đặc biệt là các đồng chí trẻ phải làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt các phong trào thi đua của cơ quan, của địa phương, góp phần để cùng các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa bảo vệ quê hương, đất nước mình.

Lời kết

Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, gồm một dãy hơn 100 đảo, bãi ngầm, cồn cát, bãi đá san hô,… bao bọc một vùng biển rộng hàng trăm ngàn km2. Quần đảo được chia thành nhiều cụm như: Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên… Vùng biển đảo và quần đảo Trường Sa có vị thế chiến lược quan trọng, giàu tiềm năng kinh tế biển, là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Xin được mượn vài lời thơ của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài Tổ quốc ở Trường Sa thay cho lời kết:

Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

Nội dung: Hoàng Hải

Thiết kế: Mai Đỉnh

Hoàng Hải

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hai-trinh-truong-sa-bai-2-cam-xuc-dong-lai-382061.html