Hai việc cần làm ngay trước khi sổ hộ khẩu hết 'vai trò lịch sử'
Hiện vẫn còn một số công dân (CD) trên địa bàn TPHCM đủ điều kiện làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, tuy nhiên vì một số lý do khách quan lẫn chủ quan, nhiều người chưa nắm được tầm quan trọng của việc làm CCCD, vì thế cần khẩn trương thực hiện vì hộ khẩu (HK) và sổ tạm trú giấy sắp đến ngày 'hết vai trò lịch sử'.
Luật cư trú sẽ bỏ quản lý bằng hộ khẩu và tạm trú giấy
Ngày 10-8-2022, Công an TPHCM (CATP) cho biết hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều CD đã có đủ điều kiện đến CA quận, huyện, một số điểm làm CCCD gắn chíp lưu động nhưng họ vẫn chưa thực hiện và cũng không liên hệ với CA phường để nhận số định danh (gồm 12 số), vì thế cần liên hệ ngay để được hướng dẫn cụ thể cũng như cấp số định danh, sau đó làm CCCD gắn chíp nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Cũng theo CATP, trường hợp người dân có hoàn cảnh đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ cần sớm báo với CSKV để được giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất thực hiện cấp CCCD gắn chíp trong thời gian cao điểm này (tính đến hết ngày 31-8-2022). Theo Luật cư trú ban hành năm 2020, với nhiều thay đổi, mà trong đó lớn nhất là bỏ hình thức quản lý bằng HK, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), cụ thể là từ ngày 1-1-2023, HK, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng. Do vậy, CD cần nhanh chóng thực hiện ngay hai việc trước khi HK, sổ tạm trú giấy hết "vai trò lịch sử", đó là cập nhật thông tin vào CSDLQG về DC và làm CCCD gắn chíp.
Dữ liệu quốc gia về dân cư
Liên quan đến Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, mà đơn giản tất cả CD cần hiểu rõ đó là tiện ích của ứng dụng định danh điện tử (ĐDĐT) quốc gia, như tích hợp thông tin đăng ký xe, tích hợp thông tin thẻ CCCD gắn chíp, hỗ trợ tin báo tố giác tội phạm trực tuyến và thông báo lưu trú trực tuyến, hay nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ CA xây dựng, vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa. Dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân làm trung tâm. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ CA đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% CD. Các thông tin CD sẽ được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước, bảo đảm chính xác, thuận tiện. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được tích hợp để thực hiện yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.
Ngoài ứng dụng nổi bật với thẻ CCCD gắn chíp, CA đã cấp thêm tài khoản ĐDĐT cho người dân thông qua cấp CCCD, điều này giúp tăng thêm tiện lợi cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính công trên môi trường online, việc triển khai cấp tài khoản ĐDĐT cho CD sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các DVC trực tuyến và các giao dịch điện tử. Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN.
Theo CATP, dữ liệu dân cư được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) theo quy định pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Bảo đảm an ninh, an toàn
Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến CD đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng CSDLQG về DC. Người dân và DN là trung tâm của chuyển đổi số, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, DN vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính. Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội.
Việc kết nối, tích hợp, khai thác CSDLQG về DC phải gắn liền với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số. Việc khai thác, ứng dụng CSDLQG về DC, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Khẩn trương làm CCCD gắn chíp
Trong năm 2022, CATP tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu, hiện CATP đã ban hành Kế hoạch tiếp tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho toàn bộ CD trên địa bàn, kết hợp tổ chức cấp tài khoản ĐDĐT cho người dân để thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, trong đợt 3 cao điểm cấp CCCD gắn chíp cho CD, đề nghị người dân tích cực tham gia làm CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản ĐDĐT (trên ứng dụng VNEID) để giao dịch nhằm mang lại lợi ích cho CD, DN và thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, CD số.
Bên cạnh thực hiện cấp CCCD gắn chíp, CATP đề nghị CD khẩn trương liên hệ với cơ quan CA để được cấp tài khoản ĐDĐT. Hiện CA quận, huyện, TP.Thủ Đức đang tổ chức cấp tài khoản này cho CD, kết hợp với cấp CCCD gắn chíp tại trụ sở CA quận, huyện, TP.Thủ Đức và tại một số trụ sở CA phường...
Công an P.Phú Thuận, quận 7: Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các tổ dân phố
Thực hiện Kế hoạch 1007/KH-UBND-BCĐ ngày 29-7-2022 của Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 06, UBND phường Phú Thuận, quận 7, tổ chức Lễ phát động, triển khai thực hiện điểm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn phường.
Theo đó, để đảm bảo tất cả người dân trên địa bàn có thể dễ dàng tiếp cận DVCTT, đồng thời giảm áp lực khi người dân tập trung lên trụ sở công an (CA) phường để thực hiện các thủ tục này, BCĐ Đề án 06 P.Phú Thuận bố trí thêm 05 điểm tiếp nhận thực hiện DVCTT gồm: Văn phòng KP1; chung cư Jamono số 772 Đào Trí, KP1; chung cư Ngọc Lan số 35 Phú Thuận, KP2; căn hộ mini số 1159 Huỳnh Tấn Phát, KP3 và căn hộ C2 - C3 Hoàng Quốc Việt, KP4. Từ nay, người dân có thể lựa chọn điểm thực hiện DVCTT thuận tiện nhất.
Trước đó, cảnh sát khu vực (CSKV) CA phường Phú Thuận đã xuống địa bàn, đến từng hộ dân vừa tuyên truyền lợi ích của DVCTT vừa sử dụng điện thoại di động hoặc laptop để hướng dẫn người dân, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện đăng ký DVCTT. Bên cạnh đó, hàng ngày CSKV phối hợp với các đơn vị liên quan vận động các doanh nghiệp, Ban quản lý, Ban quản trị chung cư phân công người sử dụng thành thạo công nghệ thông tin hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác đăng ký hồ sơ dịch vụ công (DVC) tại các điểm lắp máy.
6 tháng đầu năm, CA phường Phú Thuận đã tiếp nhận, trả kết quả đúng hạn hơn 370 hồ sơ DVC; gồm: hơn 100 hồ sơ đăng ký thường trú, hơn 260 hồ sơ đăng ký tạm trú, gần 10 hồ sơ đăng ký lưu trú và tạm vắng.
Mong rằng với cách làm thiết thực, chủ động của BCĐ Đề án 06 P.Phú Thuận, cùng sự nỗ lực quyết tâm của từng cán bộ chiến sĩ, việc triển khai Đề án 06, mà cụ thể là thực hiện DVCTT trên địa bàn phường, sẽ thu được kết quả khả quan nhất.