'Hâm nóng' tinh thần sau Tết cho trẻ

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, kết nối cô trò, bạn bè và chia sẻ trải nghiệm Tết của bản thân, tái kích hoạt lại những kỹ năng học tập sẽ giúp hâm nóng lại tinh thần cho trẻ sau dịp nghỉ Tết.

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần kết nối cô trò, bạn bè và chia sẻ trải nghiệm Tết. (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần kết nối cô trò, bạn bè và chia sẻ trải nghiệm Tết. (Ảnh: NVCC)

Từ hội chứng chán học sau Tết

Chán học sau Tết chỉ là một biểu hiện của một vấn đề, một hội chứng trầm buồn sau kỳ nghỉ lễ. Có khoảng 40% người lớn chúng ta cũng trải nghiệm sự chán nản, cảm thấy hẫng hụt, thiếu năng lượng khi quay lại với công việc chứ không phải chỉ học sinh cảm thấy chán học khi quay trở lại trường sau Tết.

Nguyên nhân bởi chúng ta thường nghĩ về những ngày Tết với tràn đầy những kỳ vọng, dự kiến, kế hoạch rất vui vẻ và phấn khích. Chúng ta được cảm thấy "sổ lồng" thoát khỏi những áp lực công việc, được ngủ nướng, được "cày" phim, được ăn uống thoải mái, được thoát khỏi những bài tập hàng ngày…

Nhưng trên thực tế, đến ngày Tết, cả trẻ con và người lớn đều có quá nhiều hoạt động phải làm, từ mua bán cây cối chuẩn bị Tết, họp mặt gia đình, đi thăm người thân và bạn bè, chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa và những ngày đầu năm.

Bên cạnh đó, áp lực tài chính, nhiều công việc mệt mỏi khiến bố mẹ có thể cáu gắt hoặc xao nhãng con hơn. Nhiều đứa trẻ vốn rụt rè sẽ càng cảm thấy bị bỏ lại khỏi những trải nghiệm vui ngày Tết mà chỉ đứng ngoài nhìn và bị ép tham gia vào những bức hình chung của gia đình phải tạo dáng thế này, phải cười thế kia mà trong lòng chẳng vui vẻ gì. Vấn đề là những ai càng cố gắng tỏ ra phải vui vẻ vì đang là Tết mà thì về sau lại càng trở nên căng thẳng và chán quay trở lại với công việc hằng ngày hơn.

Bố mẹ thường nghĩ, lễ Tết sẽ làm con trẻ hài lòng với những món quà, lì xì, đồ ăn ngon và những hoạt động chúng tham dự. Nhưng thực tế, nhiều trẻ vẫn thất vọng sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc vì các em cảm thấy chưa được nghỉ ngơi gì, chưa được vui vẻ như kỳ vọng đã hết Tết rồi. Điều này khiến các em cảm thấy hẫng hụt, trống rỗng sau khi nghỉ lễ và trở nên lo lắng buồn bã hơn khi quay trở lại với việc học hành, làm bài tập hàng ngày. Biểu hiện đầu tiên ra bên ngoài chính là sự chán nản, mệt mỏi.

Trong những ngày Tết, trẻ hoạt động, ăn uống, ngủ nghỉ không theo quy luật trong những ngày Tết nên trở nên mệt mỏi hơn. Các kỹ năng và thói quen học tập cũng bị chuội đi khiến chúng dễ trở nên chán nản khi quay trở lại trường.

Những đứa trẻ ở độ tuổi càng nhỏ thì càng không thể thích nghi nhanh với những gì thay đổi quá đột ngột. Để từ trạng thái “ăn Tết” sang trạng thái “đi học” thì các em cần một khoảng thời gian.

Cuối cùng, khi quay trở lại trường, nếu như chính giáo viên cũng đang trải qua một giai đoạn của hội chứng “trầm buồn sau Tết” như trên thì những buổi gặp gỡ đầu năm, những bài giảng đầu tiên nó thiếu tính truyền cảm hứng mà lại thừa những phàn nàn, giáo huấn về nền nếp, thói quen học tập. Điều này càng làm cho học sinh sợ việc phải quay trở lại trường và chán học hơn.

Nhà trường hãy đồng hành hỗ trợ với phụ huynh để giúp các em học sinh có thêm thời gian để thích nghi và chuyển đổi từ trạng thái “nghỉ Tết” sang trạng thái “sẵn sàng học tập”. (Ảnh: YN)

Nhà trường hãy đồng hành hỗ trợ với phụ huynh để giúp các em học sinh có thêm thời gian để thích nghi và chuyển đổi từ trạng thái “nghỉ Tết” sang trạng thái “sẵn sàng học tập”. (Ảnh: YN)

Tái kích hoạt kỹ năng học tập cho trẻ

Nhận diện được đúng những nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện chán nản với công việc và học tập sau Tết sẽ giúp chúng ta có những giải pháp để "hâm nóng" lại tinh thần không chỉ cho trẻ mà còn cả cho giáo viên, phụ huynh nữa.

Điều đầu tiên có lẽ các gia đình cũng nên chủ động kế hoạch ăn Tết của gia đình, trong đó có những hoạt động nghỉ Tết, chơi Xuân của con theo hướng chất lượng, gắn kết, trải nghiệm và nghỉ ngơi hơn là các thủ tục truyền thống mang tính hình thức và không còn phù hợp. Đã có nhiều gia đình tạo ra các truyền thống mới cho ngày Tết như cả nhà sẽ cùng đi du lịch trong những ngày nghỉ Tết.

Cha mẹ cũng cần chú ý duy trì những thói quen lành mạnh trong thời gian nghỉ Tết, đặc biệt là vẫn nên có hoạt động tập thể dục; giới hạn thời gian ngủ nướng hoặc chơi game/xem phim quá mức; hạn chế ăn uống quá độ và quy định nghiêm khắc con trẻ không được sử dụng chất có cồn nếu chưa đến độ tuổi được phép.

Cũng đừng quên, các con sẽ cần có một vài ngày để lắng lại và trở về với nề nếp học đường trước khi kỳ nghỉ lễ kết thúc. Vì vậy, hãy ngồi lại với con nói về những kế hoạch quay lại trường học, cùng nhau sắp xếp lại góc học tập, chuẩn bị sách vở cho học kỳ mới và thảo luận về kế hoạch trẻ sẽ quay lại trường thế nào với những hoạt động vui chơi.

Bản thân người lớn như phụ huynh, giáo viên cũng phải tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân mình trong những ngày Tết. Đồng thời, cũng phải dành thời gian chăm sóc xứng đáng cho các trụ cột chính của sức khỏe tinh thần bao gồm trụ cột về thể chất, trụ cột về cảm xúc, trụ cột về xã hội.

Nếu chúng ta đang cảm thấy quá tải với các hoạt động trong kỳ nghỉ lễ, cần hiểu chúng ta có thể nói không và từ chối những lời mời. Những ngày lễ Tết nên là thời gian do chúng ta lựa chọn theo ý định của bản thân mình hướng đến sự cân bằng và thực sự nghỉ ngơi bên cạnh người thân.

Về phía nhà trường, hãy đồng hành hỗ trợ với phụ huynh để giúp các em học sinh có thêm thời gian để thích nghi và chuyển đổi từ trạng thái “nghỉ Tết” sang trạng thái “sẵn sàng học tập” với những hoạt động chào đón quay trở lại trường. Kết nối cô trò, bạn bè và chia sẻ trải nghiệm Tết của bản thân, tái kích hoạt lại những kỹ năng học tập.

Các phòng Tâm lý tại các trường học cũng có thể có các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu năm để giúp học sinh nhận ra các biểu hiện trầm buồn sau kỳ nghỉ lễ, bình thường hóa nó và sử dụng những bài tập kích hoạt hành vi để ứng phó và kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ.

PGS. TS. Trần Thành Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ham-nong-tinh-than-sau-tet-cho-tre-214996.html